(HNMO) - Trong số 21 thành phố từng đăng cai Thế vận hội mùa đông, Sapporo (Nhật Bản) là nơi duy nhất có thể bảo đảm điều kiện tái đăng cai nếu lượng khí thải nhà kính không giảm vào cuối thế kỷ XXI.
Thông tin kể trên do một nhóm các nhà khoa học quốc tế dẫn đầu bởi Trường Đại học Waterloo (Canada) công bố ngày 18-1-2022. Theo kết quả nghiên cứu về dữ liệu biến đổi khí hậu từ những năm 1920 và dự đoán xu hướng tương lai, các địa điểm như Saint Moritz (Thụy Sĩ) và Lillehammer (Na Uy) đối diện nguy cơ không thể tổ chức Thế vận hội mùa đông vào giữa hoặc cuối thế kỷ XXI.
Nghiên cứu cũng cho thấy, nhiệt độ trung bình ban ngày vào tháng 2 tại những thành phố từng đăng cai đều tăng, từ 0,4 độ C giai đoạn 1920-1950, lên 3,1 độ C giai đoạn 1960-1990 và ở mức 6,3 độ C trong thế kỷ XXI.
Daniel Scott, giáo sư địa lý và quản lý môi trường tại Đại học Waterloo, lo ngại, nếu tiếp tục với quỹ đạo như hiện tại, thành phố Sapporo (Nhật Bản) sẽ trở thành địa điểm duy nhất bảo đảm được điều kiện tổ chức Thế vận hội mùa đông vào cuối thế kỷ này. Giáo sư Daniel Scott cũng nhận định, số thành phố đủ điều kiện đăng cai có thể sẽ giảm vào giữa thế kỷ.
Là cái nôi của Thế vận hội mùa đông, châu Âu đã nhiều lần tổ chức sự kiện thể thao này, bao gồm lần đầu tiên ở Chamonix (Pháp) vào năm 1924. Thế vận hội mùa đông 2026 diễn ra tại Milan và Cortina d'Ampezzo (Italia).
Tuy nhiên, vùng Alps gồm các khu vực của 8 quốc gia châu Âu lại đang chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó, nghiên cứu kể trên là thông điệp gửi đến Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), cho rằng, cơ quan này sẽ phải linh hoạt hơn khi lựa chọn các địa điểm tổ chức trong tương lai.
"Hầu hết các địa điểm tổ chức ở châu Âu được dự báo sẽ không còn đủ điều kiện vào đầu những năm 2050, thậm chí ngay cả trong tương lai phát thải thấp", giáo sư Robert Steiger đến từ Đại học Innsbruck (Áo) cảnh báo.
Theo Reuters, IOC đặc biệt chú trọng đến biến đổi khí hậu. Những cam kết của cơ quan này về giảm phát thải được đánh giá là tham vọng nhất trong lĩnh vực thể thao. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), IOC đặt mục tiêu giảm 30% lượng khí thải trực tiếp và gián tiếp vào năm 2024.
Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát các huấn luyện viên và vận động viên quốc tế. Theo kết quả khảo sát, tỷ lệ đồng tình về những tác động của biến đổi khí hậu đối với điều kiện thi đấu đạt 89%, trong khi 94% ý kiến lo ngại tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các môn thể thao trong tương lai.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ va chạm và thương tích gia tăng trong các môn thể thao trên tuyết một phần do nhiệt độ môi trường cao. Tại 3 kỳ Thế vận hội mùa đông gần nhất, tỷ lệ chấn thương được ghi nhận ở các vận động viên thi đấu trên tuyết cao hơn 55% so với các sự kiện tương tự trước đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.