(HNMO) - Sau tiếng vang của vở múa “Mái nhà” (The Roof) năm 2016, biên đạo múa người Pháp gốc Việt Bùi Ngọc Quân trở lại Việt Nam hợp tác với Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) dàn dựng vở múa đương đại “Đáy mắt”.
Biên đạo múa Bùi Ngọc Quân hướng dẫn tập luyện cho vở "Đáy mắt". |
Biên đạo Bùi Ngọc Quân và nhạc sỹ Trí Minh sẽ tạo ra một vở múa với cường độ và nhịp điệu nhanh, mạnh của cơ thể và những hình ảnh, mối tương quan giữa người xem nhưng đồng thời vẫn tạo ra những tính trừu tượng và khoảng không cho trí tưởng tượng của sự tiếp nối. Một chuỗi sự kiện của viễn tưởng và thực tại.
Điểm nhấn của “Đáy mắt” chính là những “ấn tượng đọng lại khi quan sát Hà Nội”, nơi Bùi Ngọc Quân sinh ra và lớn lên, cũng là nơi anh vẫn gắn bó trong suốt thời gian qua dù đã học tập và làm việc ở nước ngoài.
Khi được hỏi về ý tưởng hình thành vở múa “Đáy mắt”, Bùi Ngọc Quân cho biết: “Ấn tượng mạnh mẽ nhất của tôi ngay khi tôi bước xuống sân bay là sự lộn xộn. Thoạt trông có vẻ là một sự sự lộn xộn tập thể, nhưng nếu quan sát kỹ thì hóa ra nó lại mang tính rất cá nhân. Và lộn xộn cũng có vẻ đẹp riêng của nó”.
“Đáy mắt” khai thác những phản hồi có chắt lọc từ nhịp điệu và khối lượng thông tin khổng lồ của cuộc sống hiện đại. "Đáy mắt" cũng Sử dụng những phản hồi được lựa chọn để làm nguồn cảm hứng cho ngôn ngữ múa và âm nhạc. Để từ đó tăng tính xúc tích nhưng khoảnh khắc đó, cùng với sự tham gia diễn viên múa, tạo nên một chuỗi sự kiện và hoàn cảnh mới tạo ra cảm xúc vừa cũ, vừa mới cho khán giả.
Ê-kip của vở diễn cũng cho biết, phần âm nhạc được sáng tác riêng cho tác phẩm “Đáy mắt”. Biên đạo múa Bùi Ngọc Quân đã trao đổi với nhạc sĩ Trí Minh và quyết định sử dụng những lát cắt sáng tác mới kết hợp với những lớp âm thanh và những khoảnh khắc của tiết tấu.
Chia sẻ về “Đáy mắt”, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), cho biết: “Đây là một sản phẩm chung của Nhà hát, với sự phối hợp của biên đạo múa Bùi Ngọc Quân, nhạc sĩ Trí Minh và dàn diễn viên của VNOB, tràn đầy cảm xúc. Những năng lượng mà họ tạo ra trong vở diễn này sẽ lan tỏa đến người xem. Có thể cảm xúc nghệ thuật khó đánh giá một cách định tính. Nhưng nó có thể đánh giá bằng trái tim, nhất là khi khán giả cảm thấy sởn da gà, nghĩa là họ đã cảm thấy hạnh phúc”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.