Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biển báo lạc hậu: Doanh nghiệp bị phạt oan

Minh Quỳnh| 20/07/2011 07:11

(HNM) - Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh "kêu" đã bị phạt oan bởi nhiều biển báo giao thông đang áp dụng đã bị lạc hậu.

Thông tư 03/2011 của Bộ GTVT vừa có hiệu lực, cho phép một số loại xe chuyên dùng và xe đầu kéo sơmi rơmoóc được nâng tải trọng và chiều cao xếp hàng hóa. Đáng chú ý, loại xe 6 trục được phép chở tối đa 48 tấn, tăng 8 tấn so với trước đây. Thế nhưng các doanh nghiệp vận tải cho rằng quy định này chưa thật sự "gỡ rối" cho hoạt động vận tải.

Chỉ duy nhất ở cầu Tân Thuận 1 (quận 7) ghi cả tổng trọng tải và tải trọng.

Nâng tải trọng vẫn không hết vướng!

Theo Thông tư 03/2011 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ..., tổng trọng lượng đối với tổ hợp xe đầu kéo với sơmi rơmoóc đã được nâng lên phụ thuộc vào tổng số trục xe. Có xe được nâng tổng tải trọng đến 8 tấn, có xe được nâng tải hơn 1 tấn; đồng thời nâng chiều cao xếp hàng hóa của xe container lên thêm 15cm. Cụ thể, quy định cũ chỉ cho phép tổ hợp xe đầu kéo với sơmi rơmoóc có 5 trục hoặc lớn hơn chở được 40 tấn thì quy định mới cho phép loại xe này chở 44 tấn; tổ hợp xe 6 trục chở đến 48 tấn (cũ tối đa chỉ 40 tấn, bằng xe 5 trục)…

Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh (Hiệp hội), việc cho phép nâng tải trọng đã "cởi trói" cho các doanh nghiệp vận tải kinh doanh xe tổ hợp đầu kéo với sơmi rơmoóc. "Với quy định mới, đối với những tuyến đường đã được nâng cấp, nếu trọng lượng của container không vượt quá tiêu chuẩn chung về giới hạn xếp hàng của các hãng tàu biển trên thế giới (32.480kg) thì tổ hợp xe đầu kéo với sơmi rơmoóc vận chuyển hàng hóa không phạm lỗi quá tải đường bộ như trước nữa" - ông Dinh nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đinh Nam Dinh, việc gắn biển báo hạn chế tải trọng hiện đang áp dụng ở nhiều cây cầu (trừ các cầu mới xây theo tiêu chuẩn mới không gắn biển hạn chế tải trọng) không phù hợp thực tế. Điều này dẫn đến gần như 100% xe tổ hợp đầu kéo container vi phạm về lỗi quá tải trọng cầu. Các doanh nghiệp vận tải không cố ý chở quá tải nhưng do sự bất cập của biển báo khiến họ bị phạt với mức khá nặng, từ 3 đến 5 triệu đồng, tước bằng lái từ 30 tới 60 ngày và còn bị buộc hạ tải trọng...

Kiến nghị điều chỉnh

Hiện nay, hằng ngày vẫn có hàng vạn lượt xe tổ hợp đầu kéo qua lại các cầu chở hàng hóa đến bến cảng, nhà máy, xí nghiệp... Dù cầu vẫn gắn biển báo hạn chế tải trọng (theo cách cũ) nhưng vẫn đủ khả năng chịu tải, không hư hỏng, xuống cấp bởi trọng tải xe và hàng hóa đã được phân bố đều lên các trục tác động lên cầu. "Điều này cho thấy các quy định về biển báo cầu đường bộ hiện hành tồn tại hàng chục năm qua nay đã bị lạc hậu, cần được sửa đổi nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp" - ông Dinh nhận xét.

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội, hiện cầu Tân Thuận 1 ở TP Hồ Chí Minh, nối quận 4 với quận 7, hằng ngày đón nhận cả ngàn lượt xe container ra vào các cảng và khu chế xuất ở quận 7. Đây cũng là cây cầu duy nhất trên địa bàn thành phố gắn biển báo ghi rõ tổng trọng tải và tải trọng trục tương ứng với từng loại xe qua cầu. "Để quy định về tải trọng cầu phù hợp với thực tế hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải và phù hợp với tải trọng như ở Thông tư 03/2011 thì cần thay đổi biển báo tải trọng cầu hiện hành là "tính tổng trọng tải cả hàng và xe" sang tính "theo trục xe và cụm trục xe" như cầu Tân Thuận 1. Ngoài ra, cần gắn thêm biển báo về cự ly, khoảng cách giữa các xe để giới hạn tổng tải trọng của các xe ô tô tác động lên cầu" - ông Chung kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biển báo lạc hậu: Doanh nghiệp bị phạt oan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.