(HNM) - Từ ao tù chứa rác thải, nước đọng, như có “phép màu”, ao Thiên (xã Dương Liễu, Hoài Đức) đã trở thành “bể bơi” với làn nước trong xanh, mát rượi. Trong những ngày hè, nơi đây luôn có sức hút mãnh liệt với đám trẻ trong làng.
"Hồi sinh" ao rác
Ở làng quê, ao làng không chỉ góp phần tạo cảnh quan thơ mộng, nơi lưu dấu kỷ niệm quê hương của nhiều người mà còn giữ vai trò như “lá phổi” bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thế nhưng từ nhiều năm trước, ao Thiên, thôn Quê (xã Dương Liễu) dần bị “biến dạng, biến chất”, trở thành nơi chứa rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người…
“Đó là chuyện của trước kia, bây giờ thì như các chị thấy đấy, ao Thiên của chúng tôi đẹp nhất vùng này” - bà Nguyễn Thị Thành (xóm Hòa Bình) tự hào nói.
Trẻ em bơi trong ao làng ở xã Dương Liễu (Hoài Đức) sau khi cải tạo. |
Kể về ao Thiên, bà Thành hồi tưởng: “Ao Thiên ngày xưa đẹp lắm! Đó là nơi rửa rau, vo gạo của cả thôn. Khoảng từ năm 1990, quê tôi có nghề sản xuất tinh bột sắn rất phát triển. Cả làng ồ ạt làm nghề. Lúc đó, do mải mê kiếm tiền mà phần lớn người dân chưa ý thức được tác hại của ô nhiễm môi trường nên thoải mái xả nước thải vào ao. Khi nước bẩn quá, không thể sử dụng, người dân bỏ hoang và tiếp tục xả từ rác sinh hoạt cho đến rác xây dựng, xác động vật... xuống ao”. Vì thế từ chức năng “lá phổi”, ao Thiên trở thành nơi phát sinh ô nhiễm môi trường.
Ngày qua ngày chịu đựng, người dân thôn Quê dần ngộ ra môi trường sống đang bị ô nhiễm trầm trọng một phần chính là từ ao Thiên. Bởi vậy, giữa năm 2016, ông Nguyễn Phi Hậu (59 tuổi) đã khởi xướng ý tưởng cải tạo “ao rác” và lập tức được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thôn Quê đã họp bàn và cử đại diện báo cáo chính quyền địa phương xin cải tạo ao. Khi hiểu việc này là cấp thiết, người dân trong thôn có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, cùng sự ủng hộ của chính quyền xã, đã tạo được nguồn vốn xã hội hóa gần 300 triệu đồng để cải tạo ao Thiên... Sau gần một năm “chung lưng đấu cật”, người dân thôn Quê đã biến ao Thiên từ “ao tù chứa rác”, thành “bể bơi vừa to, vừa đẹp nhất vùng”.
Sự kiện ao Thiên “sống lại” như một phép màu. Ngày đưa vào sử dụng (mùa hè năm 2017), trong thôn như có hội, mừng vì thoát cảnh ô nhiễm, nhưng vui hơn cả là ai cũng có công đóng góp vào thành quả đáng tự hào này...
Nhớ lại những tháng ngày cả làng chung sức cải tạo ao, ông Nguyễn Phi Hậu cho biết, nhà nào cũng cử người có sức khỏe tốt nhất để tham gia. Từ nạo vét bùn, nhặt rác, dọn đáy ao, rải cát, khoan giếng lấy nguồn nước sạch, dựng lan can bảo vệ, lát gạch đường quanh bờ ao, gắn ghế đá… Khi hoàn thành, dân làng lại bàn nhau trồng cây (dừa, liễu) để tạo cảnh quan cho “bể bơi” và bóng mát cho người tản bộ.
Vậy là nhờ sức mạnh cộng đồng, ao Thiên đã hết ô nhiễm và trở nên sinh động, hữu ích, thành “bể bơi” lớn ở thôn Quê với diện tích hơn 7.000 m². Giữa ao là một “đảo tự nhiên” được nhân dân xây dựng Đền thờ Bác Hồ, nối với bờ là cây cầu cong xinh xắn. Đặc biệt, giờ đây, tất cả mọi người trong thôn đều có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường để “bể bơi” luôn sạch, đẹp…
Chuyện cải tạo ao ở thôn Quê được người dân quanh vùng ngưỡng mộ và được chính quyền xã Dương Liễu đánh giá cao. Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Phí Đình An cho biết, chuyện cải tạo ao đã được Đảng ủy, UBND xã nhất trí, bởi đáp ứng đa mục tiêu: Vừa cải thiện môi trường, vừa tạo cảnh quan nông thôn mới; ý nghĩa nhất là trẻ em có sân chơi kết hợp học bơi, rèn luyện thể chất và trang bị kỹ năng tránh đuối nước...
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, việc vận động xã hội hóa và được nhân dân đồng tình ủng hộ cao là một việc làm thiết thực. Ông Nguyễn Phi Hậu là một trong những người phát động nhân dân tham gia cải tạo ao đã gương mẫu ủng hộ 10 triệu đồng. Việc chi tiêu cho cải tạo ao cũng được công khai minh bạch tới toàn dân nên đã tạo niềm tin trong thôn…
Cú hích cho phong trào bơi lội
Không chỉ giải quyết bức xúc về môi trường, tôn nét đẹp làng quê, từ ngày ao Thiên “sống” lại, phong trào bơi lội ở xã Dương Liễu sôi nổi trông thấy. Chị Lệnh Thị Dung, bán hàng gần ao Thiên cho hay, trong những ngày hè, chiều nào “bể bơi” cũng đông kín trẻ em đến bơi lội, nhiều người lớn cũng đến đây "giải nhiệt”, đỉnh điểm lên đến 300-400 người. Nhờ có ao, nhiều trẻ nhỏ biết bơi. Yên tâm nhất là “bể bơi” có cắm các cột mốc nước để cảnh báo độ sâu - nông, buổi tối có đèn cao áp chiếu sáng, nước khá sạch do dùng nguồn từ giếng khoan và được thay định kỳ.
Gặp 2 em Nguyễn Danh Đặng (11 tuổi) và Nguyễn Thị Thúy Diệu (8 tuổi) ở ao Thiên, các em cho biết mới học bơi từ khi có “bể bơi” ao Thiên. “Trước đây ở xã không có chỗ tập bơi. Từ ngày ao sạch, anh em cháu được bố dạy bơi. Bây giờ, cháu có thể bơi xa được 10m” - em Đặng khoe...
Anh Nguyễn Danh Trung (bố của 2 em) cười rất tươi vì các con đã biết bơi, chia sẻ: “Bơi lội không chỉ tốt cho bản thân mà còn có ích cho cộng đồng, vì khi có tình huống xấu xảy ra, người biết bơi sẽ cứu được bản thân và có thể giúp người khác”. Cùng với ông Nguyễn Phi Hậu, anh Nguyễn Danh Trung là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ bơi lội xã Dương Liễu. Trong chiến dịch cải tạo ao Thiên, anh Trung là một trong những người tiên phong vận động người dân cùng tham gia.
Một điều rất đáng biểu dương là Câu lạc bộ bơi lội đã ban hành nội quy nghiêm túc, khoa học, niêm yết ngay lối xuống ao, trong đó quy định nghiêm cấm người dân xả rác xuống ao; trẻ em đi bơi phải có người lớn đi kèm; không tắm trước 5h và sau 19h30; có phao cứu sinh đặt quanh ao; có kẻng báo động khi có người dưới ao gặp sự cố mất an toàn để kịp thời ứng cứu...
Nhờ có “bể bơi”, phong trào bơi ở thôn Quê ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo cán bộ Văn phòng UBND xã Dương Liễu Ngô Văn Minh, hè năm nay, cả xã có thêm hàng trăm em nhỏ biết bơi và tình trạng đuối nước không xảy ra. Tới đây, nhân dịp Quốc khánh 2-9, xã Dương Liễu đã nhất trí với đề xuất của Câu lạc bộ bơi lội tổ chức thi đấu bơi và chơi bóng nước nhằm tạo không khí thi đua, rèn luyện sức khỏe trong nhân dân.
Về lâu dài, theo ông Ngô Văn Minh, xã Dương Liễu đã quy hoạch khu trung tâm thể thao, tuy nhiên, việc triển khai sẽ theo lộ trình. Trước mắt, chủ trương của xã duy trì ao bơi; đồng thời, động viên nhân dân cùng giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng sống. Từ thành công của ao Thiên, xã Dương Liễu sẽ có kế hoạch cải tạo các ao còn lại, vừa tạo cảnh quan cho nông thôn mới, vừa góp phần làm trong lành môi trường trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.