(HNM) - Từ những ngày đầu tiên xuất hiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gây ra, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai các phương án nhằm sẵn sàng ứng phó kịp thời. Trong đó, đáng chú ý là việc lập bệnh viện dã chiến nhằm điều trị hiệu quả và cách ly người bệnh.
Tính đến ngày 16-2, Bệnh viện dã chiến số 1 của thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, cách ly 24 trường hợp cần theo dõi đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh do Covid-19. Bệnh viện chính thức hoạt động từ ngày 10-2, với sự phối hợp thực hiện giữa Bộ Tư lệnh thành phố và Sở Y tế. Bệnh viện được đặt ngay trong khuôn viên của Trường Quân sự thành phố (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) với quy mô 300 giường bệnh, 20 giường hồi sức tích cực. Bệnh viện có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.
Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, ngành Y tế thành phố tham mưu lập hai bệnh viện dã chiến với quy mô 500 giường. Trong đó, bệnh viện dã chiến trên địa bàn huyện Củ Chi là 300 giường và huyện Nhà Bè là 200 giường. “Việc lập bệnh viện dã chiến là sự chủ động của thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhằm tiếp nhận, cách ly và điều trị những ca nghi nhiễm bệnh khi vượt khả năng của các địa phương”, ông Tăng Chí Thượng nói.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn đầu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ chịu trách nhiệm chính về nhân lực chuyên môn cho bệnh viện dã chiến, nhân lực phục vụ ngoài chuyên môn sẽ do Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh điều động. Bên cạnh đó, lần lượt các bệnh viện cấp thành phố và bệnh viện quận, huyện sẽ cử các bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến công tác tại bệnh viện dã chiến, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Cụ thể, khi người bệnh ít (dưới 20 người), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp với Bệnh viện huyện Củ Chi bảo đảm mỗi ngày có 7 nhân sự thường trực tại bệnh viện dã chiến. Khi số lượng người bệnh đông, Sở sẽ bổ sung điều động luân phiên bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh viện dã chiến sẽ tiếp nhận, cách ly và chăm sóc người bệnh hoàn toàn miễn phí theo quy định.
Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh thành phố cho hay, khu vực xung quanh bệnh viện dã chiến là đồng cỏ, không có nhà dân nên bảo đảm không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bộ Tư lệnh thành phố cũng đã thành lập thêm đội vệ binh làm công tác bảo vệ an ninh trật tự, bộ phận hậu cần, phục vụ ăn uống cho nhân viên y tế và bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến.
Đánh giá cao những nỗ lực của Sở Y tế, Bộ Tư lệnh thành phố cùng chính quyền địa phương trong việc hoàn thành khẩn trương bệnh viện dã chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm cho rằng: "Việc sớm đưa bệnh viện dã chiến 300 giường vào hoạt động không chỉ có ý nghĩa cho riêng công tác đối phó với dịch bệnh của thành phố mà còn hỗ trợ các địa phương khác. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục lập thêm bệnh viện dã chiến để chủ động sẵn sàng đối phó với dịch bệnh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.