(HNM) - Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, bệnh viện ghi nhận 16 trường hợp nhập viện vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn (9 trường hợp nhập viện trong các ngày nghỉ Tết), trong đó hai trường hợp đã tử vong do nhiễm trùng huyết nặng.
Đa số bệnh nhân mắc bệnh đều có liên quan trực tiếp đến việc giết mổ, ăn tiết canh hoặc các sản phẩm từ thịt lợn chưa qua nấu chín và thường có diễn biến bệnh nhanh. Điển hình là hai bệnh nhân cùng quê ở Nam Định sau khi ăn tiết canh lợn đã mắc bệnh với biểu hiện ban đầu là sốt cao, nhanh chóng tiến triển thành suy gan, thận, phổi, rối loạn đông máu rồi tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, loại vi khuẩn này đột nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết hoặc gây viêm màng não mủ. Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc rất cao, khoảng 200/100.000 dân mỗi năm, còn ở Việt Nam chưa được thống kê nhưng tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh thì tương đối cao, từ 10 đến 30%. Khi bị mắc bệnh, biểu hiện chủ yếu là sốt, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ, họng, thậm chí bị hôn mê, liệt, nổi ban đỏ thẫm toàn thân... Bệnh diễn biến phức tạp, có thể dẫn đến suy các chức năng hô hấp, gan, thận... rồi tử vong. Đáng lưu ý, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn ở người thường lưu trú ở đường hô hấp của lợn. Người bị mắc bệnh có nguyên nhân dịch tễ từ tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn, ăn sản phẩm thịt lợn mắc bệnh chưa được nấu chín. Vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương trên da, niêm mạc của miệng, mũi. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên Bộ Y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không giết mổ, ăn thịt lợn bệnh. Với người chăn nuôi, phải phát hiện sớm lợn bệnh, cách ly và điều trị kịp thời cho đến khi lợn khỏi hẳn bệnh mới cho nhập đàn. Khi lợn đã bị bệnh chết, cần xử lý đúng quy trình xử lý một ổ dịch truyền nhiễm; chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát trùng, để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại. Các cơ sở chăn nuôi lợn và những người phải làm việc trong cơ sở chăn nuôi như công nhân, nhân viên, thầy thuốc thú y cần sử dụng đầy đủ trang bị bảo hộ khi làm nhiệm vụ tránh bị lây nhiễm bệnh từ lợn. Khi có triệu chứng sốt cao, khó thở... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.