(HNM) - 15 triệu đồng là số tiền Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) thu được trong năm 2013 vừa được công bố trong sự ngỡ ngàng, thậm chí có phần thất vọng của văn giới tại hội thảo về chủ đề này hôm 18-12.
Là bởi có những sự so sánh khó tránh khỏi. VLCC ra đời tính đến 2014 là vừa tròn 10 năm, cũng tốn công sức của những người đặt nền móng, cũng nhen lên hy vọng của nhiều người viết, nhưng kết quả vẫn phập phù. Lãnh đạo và cán bộ đa phần kiêm nhiệm, thậm chí kể cả Phó Giám đốc thường trực trung tâm đã "vào vai" từ một năm nay mà hội viên ngay tại Hà Nội cũng không biết…
Trong khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với tuổi đời cũng chỉ hơn VLCC 2 năm (từ 2002) thì năm qua đã mang về cho hội viên hơn 40 tỷ đồng tiền bản quyền. So sánh thì kiểu gì cũng có cái khập khiễng, vì có ý kiến cho rằng việc phát hiện vi phạm bản quyền trong văn học khó hơn so với trong âm nhạc. Nhưng nếu nhìn từ quyền lợi của những người cầm bút, thì quả thực đáng chạnh lòng. Nhà văn Việt Nam nhọc nhằn hàng dăm năm, có khi cả chục năm và thậm chí cả đời để ra được một cuốn, một bộ tiểu thuyết giá trị mà nhuận bút thì bèo bọt, tác phẩm thì bị khai thác bừa phứa trên mạng mà tiền bản quyền lại cứ như "bánh vẽ". Nhà văn Hoàng Quốc Hải thẳng thắn nêu: Tôi không đủ sức chống lại hành vi khai thác tự do tác phẩm của mình bằng công nghệ số, nhưng cũng chưa đủ tin tưởng để giao tác phẩm của mình cho VLCC. Còn nhà văn Bùi Bình Thi cũng bi quan: "Chừng nào nhà văn chưa được tôn trọng thì chừng ấy chưa thể nói gì đến bản quyền tác giả văn học…".
Tại hội thảo, đại diện VLCC cũng nêu ra vô vàn tình huống "dở khóc, dở cười" khi nhà xuất bản "né" tiền bản quyền, hoặc trả một cách không thể rẻ hơn: 15 nghìn đồng một bài thơ, 40 nghìn đồng một truyện ngắn; rồi bản thân nhà văn cũng chưa chủ động trong bảo vệ quyền lợi của mình…
Tuy nhiên, có một điểm chung nhất mà ai cũng phải thừa nhận, đó là VLCC chưa phải là một tổ chức chuyên nghiệp. Trong khi công việc mà VLCC phải đảm nhiệm đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao trong cả hiểu biết về pháp luật, kỹ năng trao đổi thuyết phục lẫn trong đầu tư thời gian công sức để… đòi quyền lợi cho hội viên.
Nếu như coi vi phạm bản quyền là một căn bệnh làm giảm động lực sáng tạo và sự phát triển nói chung thì tổ chức bắt bệnh này của văn giới lại đang mắc bệnh cơ bản nhất là không chuyên nghiệp!
Vậy thì đường đến bản quyền văn học còn xa!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.