Luận đàm thời sự

Bên tính xa, phía lo xa

Đại sứ Trần Đức Mậu 01/12/2023 07:29

Nhìn từ giác độ ngoại giao quốc tế, việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak bất ngờ hủy cuộc hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vào thời điểm ông K.Mitsotakis đã đến Anh và chỉ vài giờ trước khi cuộc hội đàm diễn ra như đã thỏa thuận giữa hai bên là hành động sỗ sàng và rất hiếm thấy.

hnm.1cdn.vn-2023-11-28-_33c98726-addc-4385-a0fc-8b054f217a61.jpg
Các tác phẩm điêu khắc Parthenon Marble tại Bảo tàng Anh.

Phía Hy Lạp càng thêm bực bội khi ông R.Sunak mời chào ông K.Mitsotakis gặp cấp phó của mình. Anh và Hy Lạp vốn đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đã từng cùng trong Liên minh châu Âu (EU).

Nguyên do của sự cố ngoại giao nói trên liên quan đến cuộc tranh chấp giữa hai bên về quyền sở hữu đối với 56 mảng phù điêu ở ngôi đền Partheon tại Acropolis của Hy Lạp đã được vận chuyển về Anh trong thế kỷ XIX. Hồi ấy, Hy Lạp bị Đế chế Ottoman quản lý.

Phía Anh cho rằng 56 mảnh phù điêu kia đã được tháo dỡ khỏi đền Partheon và đưa về Anh với sự chấp thuận của Đế chế Ottoman. Chúng được trưng bày ở Viện Bảo tàng Anh từ hơn 200 năm nay. Năm 1963, Quốc hội Anh thông qua hẳn một đạo luật về cấm trao trả lại số phù điêu này cho Hy Lạp.

Ông R.Sunak biện minh cho quyết định không gặp ông K.Mitsotakis ở Anh với lập luận rằng phía Hy Lạp đã không thực hiện lời hứa là không đề cập công khai vấn đề trả lại những mảnh phù điêu trên.

Đúng là khi đến Anh, ông K.Mitsotakis có nêu vấn đề này trong trả lời phỏng vấn của Hãng truyền thông BBC, lại còn so sánh việc phía Anh chiếm giữ một phần bức tường phù điêu ở đền Partheon như "xé tuyệt phẩm hội họa nàng Mona Lisa làm đôi".

Đền Partheon được xây dựng trong thế kỷ thứ V trước Công nguyên và bức tường phù điêu ở đây có chiều dài tổng cộng 160m. Giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa của ngôi đền này thật sự không thể cân đong đo đếm được đối với Hy Lạp và thế giới. Vì thế, không có gì là khó hiểu khi Hy Lạp nỗ lực thu hồi những gì đã bị Anh lấy đi và Anh nỗ lực giữ lại những gì đã lấy được từ Hy Lạp, và cả hai lại còn quyết tâm làm việc này bằng mọi giá.

Xem ra, cả ông R.Sunak lẫn ông K.Mitsotakis thật sự coi trọng chuyện này. Ông K.Mitsotakis vừa mới tái đắc cử và khi vận động tranh cử đã cam kết đòi về những mảnh phù điêu. Vì thế, một khi đã sang Anh thì ông K.Mitsotakis không thể không đề cập chuyện này với Thủ tướng Anh.

Ở châu Âu cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới hiện đã dấy lên làn sóng mạnh mẽ đòi trả lại những báu vật và cổ vật mà nước này lấy đi của nước kia trong quá khứ lịch sử.

Hồi đầu năm nay, Tòa thánh Vatican đã trả lại cho Hy Lạp một vài mảnh phù điêu của đền Partheon. Sức ép quốc tế đối với Chính phủ Anh ngày càng gia tăng, nhất là sau khi nước Anh ra khỏi EU, EU chuyển từ quan điểm trung lập sang hẳn quan điểm hoàn toàn ủng hộ Hy Lạp trong chuyện này.

Đối với ông R.Sunak và ông K.Mitsotakis, chuyện những mảnh phù điêu ở Anh là vấn đề đối nội phức tạp và nhạy cảm. Ông K.Mitsotakis có nhu cầu khích lệ tinh thần dân tộc và dùng chủ trương bảo tồn những giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa của Hy Lạp để đạt mục tiêu này. Trong khi đó, ông R.Sunak có nhu cầu tranh thủ cử tri Anh cho cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới nhất là khi nguy cơ thất cử hiện rất thực tế.

Ngoài ra, Hy Lạp nuôi vấn đề và công khai vấn đề vì biết chuyện này còn kéo dài cả hàng trăm năm nữa. Còn phía Anh lo xa vì nhượng bộ sẽ tạo tiền lệ xem xét lại quá khứ lịch sử và sẽ rất bất lợi cho Anh. Việc viện dẫn luật cấm chỉ là ngụy biện bởi đó là luật quốc gia và có thể thay đổi chứ không phải luật quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bên tính xa, phía lo xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.