(HNMO) - Hơn 20 bác sĩ đến từ bệnh viện Thống Nhất và bệnh viện Nhi đồng 1 đã mổ cấp cứu giành sự sống cho bệnh nhi 3 tuổi bị rơi từ tầng 2 xuống bị hàng rào sắt đâm thấu ngực, thủng tim. Sau hơn 3 tuần điều trị bé trai khỏe mạnh xuất viện.
Bé trai bị hàng rào đâm thấu ngực, thủng tim khỏe mạnh sau xuất viện |
Sáng 28-11, tại bệnh viện Nhi đồng 1, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi lễ khen thưởng cho những tập thể và các cá nhân đã tham gia cứu sống bệnh nhi H.V.N.T 5 tuổi (ngụ tại TP Hồ Chí Minh) rơi từ tầng 2, bị thanh sắt hàng rào đâm thấu ngực, thủng tim. Sinh mạng của cháu bé được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ liên viện của các bác sĩ bệnh viện Thống Nhất và bệnh viện Nhi đồng 1.
Thay mặt Sở Y tế, ông Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế đã trao tặng hai bằng khen cho tập thể Gây mê-hồi sức bệnh viện Thống Nhất, Tập thể gây mê – hồi sức bệnh viện Nhi đồng 1 và hai bằng khen cá nhân cho ông Đào Trung Hiếu - PGĐ bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Trần Văn Sơn - Trưởng khoa ngoại lồng ngực - Bệnh viện Thống Nhất đã tham gia cứu chữa trực tiếp cho bệnh nhi.
Nhớ lại ca mổ cứu sống cho bé trai, bác sĩ Đào Trung Hiếu chia sẻ: Đó là đêm 26-10, tôi đang bắt taxi để đi công việc thì nhận được điện thoại từ GS.BS Nguyễn Đức Công - Giám đốc bệnh viện Thống Nhất, nhờ qua bệnh viện mổ cấp cứu cho một bệnh nhi đang nguy kịch tại đây mà không thể chuyển viện về Nhi đồng 1. Trong lúc đợi bác sĩ từ bệnh viện Nhi đồng 1 qua ứng cứu, bé trai được ê kíp tiến hành gây mê.
Bệnh viện Thống Nhất là bệnh viện chuyên về điều trị cho người lớn, không có y dụng cụ lẫn kinh nghiệm gây mê, phẫu thuật trẻ em nên gặp phải nhiều khó khăn. Để có dụng cụ phụ hợp với bệnh nhi, các bác sĩ phải tận dụng thiết bị dành cho trẻ con ở khoa cấp cứu và những dụng cụ phẫu thuật cỡ nhỏ, các y bác sĩ bắt đầu tiến hành gây mê và đặt nội khí quản. Bác sĩ có kinh nghiệm về phẫu thuật lồng ngực cũng đã được gọi đến và phối hợp tiến hành khâu các vết thương, cầm máu. Trong quá trình được bác sĩ dẫn lưu dịch màng phổi, bệnh nhi ngưng tim trên bàn mổ. Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đã tiến hành bóp tim, hồi sức cho tim đập lại.
10 phút sau cuộc gọi, bác sĩ Đào Trung Hiếu đến bệnh viện, nhận định vết thương đã đâm trúng tim, nên đã tiến hành mở xương ức để kiểm tra. Khi mở ngực ra, ở vùng tâm nhĩ bên phải bị rách 3cm, máu từ vết rách chảy ra xối xả. Các bác sĩ phải dùng tay bịt lỗ thủng ấy của tim để giảm bớt lượng máu chảy ra ngoài. Sau đó dùng phương tiện phẫu thuật khâu vết thủng ở tim.
Tiếp tục thám sát phổi, kíp mổ phát hiện có 2 vết rách ở phổi và được các bác sĩ khâu lại. Do bệnh viện Thống Nhất không có các dụng cụ phục vụ chăm sóc, hồi sức trẻ em nên bệnh nhi đã được chuyển về bệnh viện Nhi đồng 1. Sau phẫu thuật, bé trai bị tụt huyết áp, nhiều vấn đề nội khoa như rối loạn máu vì chuyền máu quá nhiều. Sau đó, hai chân của bé khó khăn trong đi lại. Các bác sĩ lo sợ cháu bị chấn thương cột sống, kết quả chụp CT có vết nứt ở cột sống. Nhưng may mắn, cột sống trẻ em có khả năng tự phục hồi và đi lại bình thường trong sự vui mừng của gia đình và các bác sĩ điều trị.
Có mặt trong buổi lễ khen thưởng tập thể y bác sĩ đã cứu mạng con trai của mình, chị Nguyễn Thị C.N cho biết: “Buổi tối 26-10, bé T có bạn bè gọi ở dưới sân nhà, nên đã ra phía lan can tầng 2 để nhìn các bạn. Dù lan can xây cao vượt đầu bé nhưng lại có bục phía dưới nên bé đã đứng lên không may trượt tay té xuống trượt qua hiên nhà rồi rơi xuống hàng rào sắt nhọn của cửa đâm từ sau ra trước, trong tư thế nằm ngửa. Khi phát hiện, ba của bé và chú chỉ biết nhấc cháu lên rồi đưa đến bệnh viện gần nhà nhất là bệnh viện Thống Nhất để cấp cứu”.
Nhìn con trai khỏe mạnh và vui đùa với bạn bè, vợ chồng chị Nguyễn Thị C.N xem đây như là một phép màu nhiệm, và công ơn hàng chục bác sĩ của hai bệnh viện Thống Nhất và bệnh viện Nhi đồng 1 đã tham gia cấp cứu, mổ thâu đêm để giành lại mạng sống cho con trai của mình, là điều mà gia đình chị C.N có lẽ không bao giờ quên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.