Hôm nay, 27-11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Các chuyên gia pháp luật, đại biểu Quốc hội cho rằng, Thủ đô là trái tim của cả nước, nên việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho Thủ đô là hết sức cần thiết, không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô mà còn tạo sự lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước. "Bệ phóng" cho Thủ đô phát triển chính là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
Phải tiếp tục phân cấp và phân cấp mạnh mẽ hơn
TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng bộ môn Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội khẳng định, việc trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu có ý nghĩa rất quan trọng, bởi Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu và hội nhập quốc tế, không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô mà còn tạo sự lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước. Cho nên, cần thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô Hà Nội. Nhân dân cả nước luôn tin yêu, kỳ vọng Hà Nội về một Thủ đô đi đầu.
Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận định, có nhiều nội dung mà một đô thị đặc biệt cần phải được áp dụng, như phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), phân cấp trong điều chỉnh quy hoạch, tổ chức bộ máy… Những nội dung này đã được cập nhật vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những phân cấp cụ thể và đại biểu bày tỏ tin tưởng dự thảo Luật sẽ được các đại biểu Quốc hội ủng hộ, tán thành.
Cùng quan điểm, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, TS Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam phân tích, trong tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội mà Thủ đô cần cho giai đoạn 2026-2030 là khoảng 3.410 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2.695 nghìn tỷ đồng sẽ cần được huy động từ khu vực tư nhân. Vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước dự kiến sẽ chỉ là 715 nghìn tỷ đồng. Thậm chí, trong số 715 nghìn tỷ đồng này, dự kiến khoảng 50% được huy động từ khu vực tư nhân dưới nhiều hình thức, đặc biệt theo hình thức đối tác công - tư hay huy động sự tham gia của tư nhân vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Thủ đô.
Vì vậy, ngoài cơ chế như phát triển đô thị theo định hướng TOD, TS Lê Duy Bình ủng hộ các quy định trong dự thảo dự kiến giao thẩm quyền cho thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án trên 10 nghìn tỷ đồng (thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo Luật Đầu tư công); trong đó dự án đường sắt đô thị không bị giới hạn mức vốn, còn đối với các loại dự án khác không vượt quá 20 nghìn tỷ đồng...
“Đây là quy định rất cần thiết, trao quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ thu hút được mạnh mẽ đầu tư từ khu vực tư nhân, bao gồm cả các đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình văn hóa, thể thao, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trường học, bệnh viện nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển”, TS Lê Duy Bình phân tích.
Tối ưu hiệu quả nguồn lực từ khoa học công nghệ
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khẳng định, “…lấy khoa học công nghệ (KHCN) cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”. Trên cơ sở đó, dự thảo của Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết và khắc phục các bất cập thực tiễn, hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.
Dự thảo đã đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ các ách tắc về cơ chế quản lý khoa học theo hướng áp dụng hình thức khoán kinh phí theo kết quả, sản phẩm của nhiệm vụ KHCN, quy định các trường hợp mua sắm thuê hàng hóa, dịch vụ để thực hiện nhiệm vụ KHCN mà không phải thực hiện thủ tục đấu thầu; cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước cho các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực ứng dụng, phát triển kết quả, sản phẩm phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, thúc đẩy phát triển thị trường KHCN của Thủ đô (Điều 25).
Dự thảo cũng cho phép thành phố Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy Thủ đô đi đầu, tiên phong trong đổi mới sáng tạo đối với các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực KHCN trọng điểm của Thủ đô và thực hiện thử nghiệm tại khu công nghệ cao, đồng thời thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ để đầu tư thúc đẩy, ươm tạo doanh nghiệp KHCN trong một số lĩnh vực trọng điểm về KHCN (Điều 41).
Đồng thời, trao quyền cho Hà Nội lập quy hoạch và xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Trung ương về Hà Nội quản lý (Điều 26).
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải, nội dung trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cơ bản tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu KHCN, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của đất nước, khu vực, quốc tế. Ngoài các chính sách phát triển KHCN đã được thể hiện trong dự thảo Luật, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cho rằng, cần bổ sung cơ chế, chính sách giúp hình thành và phát triển thị trường KHCN của Thủ đô. Kinh nghiệm của các nước tiên tiến cho thấy, chỉ khi hình thành được một thị trường KHCN sôi động và lành mạnh thì mới có thể phát triển KHCN một cách bền vững.
Để tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường này, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương cũng đề nghị, trong Luật cần xem xét các nội dung: Thúc đẩy hình thành các sàn giao dịch về ý tưởng KHCN; hình thành các trung tâm hỗ trợ định giá và thu mua các sản phẩm KHCN có ích cho thành phố; có quy định về hỗ trợ tài chính, khoa học cho các sản phẩm KHCN của thành phố trong bước đầu tiếp cận thị trường hoặc đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm; xây dựng Quỹ đầu tư phát triển KHCN để đầu tư cho việc hoàn thiện các ý tưởng, các sản phẩm KHCN từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp KHCN trên địa bàn thành phố.
Đánh thức nguồn lực từ tài sản công
Kỳ vọng rằng các cơ chế, giải pháp, chính sách đưa ra trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ thực sự tạo ra các bước chuyển có tính đột phá để đánh thức nguồn lực từ tài sản công, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phân tích, Hà Nội có một số lượng lớn các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao. Thực tiễn cho thấy, trong đó, nhiều công trình chưa được sử dụng, khai thác một cách hiệu quả và xuống cấp nhanh chóng do thiếu các nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng và đầu tư bổ sung.
“Nếu chỉ sử dụng ngân sách nhà nước, các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa sẽ kéo dài thời gian và khó có thể có nhiều dự án lớn, trong khi nhu cầu của xã hội ngày một cao, cả về lượng và chất”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương chỉ rõ.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cho phép thành phố được nhượng quyền kinh doanh, quản lý các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả công trình, tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo dưỡng, phát triển công trình, tăng khả năng tự chủ của các đơn vị sự nghiệp. Đây là quy định rất phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo và tình hình thực tiễn.
Dự thảo cũng cụ thể hóa phương thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) với công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao. Biện pháp này giúp huy động nguồn lực xã hội tham gia, hợp tác với Nhà nước khai thác, vận hành và bảo trì có hiệu quả, đúng công năng của công trình văn hóa, thể thao; tổ chức nhiều hơn, rộng rãi hơn các hoạt động văn hóa, thể thao; giúp Nhà nước, nhà đầu tư thu được lợi ích kinh tế cao hơn từ việc hợp tác và giúp cho người dân có cơ hội được tiếp cận, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, bằng mô hình hợp tác công - tư, có khả năng thu hút các nguồn lực, năng lực sáng tạo, chủ động của khu vực tư nhân, sự tham gia của các cộng đồng dân cư trong tạo lập, cải thiện kinh tế gắn với bảo tồn các giá trị di sản. Lợi thế của mô hình này là thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm và lợi ích gắn bó của các bên, cải thiện trách nhiệm giải trình, sự minh bạch, giải quyết vấn đề quản lý khai thác kém hiệu quả, giúp phát triển du lịch di sản theo hướng bền vững. Vì vậy, nguồn lực tài sản công trong lĩnh vực văn hóa, thể thao của Thủ đô dự kiến sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa về công năng, về khả năng tạo ra nguồn thu và từ đó đảm bảo tính bền vững và khả năng phục vụ tốt hơn cho người dân Thủ đô và cả nước.
“Thực tế cho thấy, mô hình hợp tác công - tư đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, triển khai và đem lại hiệu quả. Ở Việt Nam, một số di sản đã thực hiện việc hợp tác này và lợi ích đem lại cho các bên là không thể phủ nhận, như Khu di tích - danh thắng Yên Tử, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An, Khu Phong Nha - Kẻ Bàng...”, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.