Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bế mạc phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Mai Hữu| 23/11/2021 16:48

(HNMO) - Chiều 23-11, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì và phát biểu bế mạc phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, sau gần 2 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành các nội dung của phiên họp thứ năm.

“Trong đó, đã cho ý kiến vào 5 nội dung quan trọng và xem xét, thông qua 2 dự thảo nghị quyết… Tất cả các nội dung đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt, đồng thuận, nhất trí cao với nội dung kết luận”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Mặc dù phiên họp được tiến hành ngay sau kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá, các cơ quan của Quốc hội cùng các cơ quan hữu quan đã rất nỗ lực, khẩn trương, bắt tay ngay vào chuẩn bị nội dung phiên họp.

Tóm lược một số nội dung của phiên họp, về việc tổ chức kỳ họp không thường kỳ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình 5 nội dung lớn đã thống nhất với Chính phủ; đây là những vấn đề thực sự cấp thiết, cấp bách.

“Đề nghị các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng theo tinh thần cấp thiết nhưng phải bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội để đạt được sự thống nhất cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 10-2021 của Quốc hội.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo.

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 9, qua báo cáo của 37 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Ban Dân nguyện tổng hợp được 536 kiến nghị của cử tri và đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đã có 306/536 kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ nhất được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 57,1%; số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.

Về kiến nghị cử tri tiếp xúc trước kỳ họp thứ hai, trong tháng 10-2021, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai của 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.707 kiến nghị của cử tri và đã chuyển các kiến nghị này đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 2.578 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân chuyển đến; trong đó có 624 đơn thư đủ điều kiện xử lý, 1.166 đơn không đủ điều kiện xử lý, gồm: Đơn trùng lặp, đơn gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung (chiếm đến 45,22%). Đối với 624 đơn thư đủ điều kiện xử lý, qua nghiên cứu, xét thấy những đơn công dân khiếu nại, tố cáo có căn cứ, các cơ đã chuyển 47 đơn của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; có văn bản hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với 2 vụ việc và đã nhận được 69 văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về tiến độ giải quyết, kết quả giải quyết đối với các vụ việc đã chuyển đơn trước đó.

Theo báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội, trong tháng 9 và tháng 10, các đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận tổng số 1.349 đơn thư, trong đó có 236 đơn khiếu nại, 129 đơn tố cáo, còn lại là 299 kiến nghị, phản ánh; số đơn thư trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, không ký tên, đơn không rõ nội dung được xếp lưu theo dõi là 608 đơn.

Trong số 728 đơn đủ điều kiện xử lý, các đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển 500 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 163 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân; đã nhận được 171 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết. Bên cạnh việc chuyển đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền, có 6 đoàn đại biểu Quốc hội đã quan tâm, chủ động nghiên cứu giám sát đối với 10 vụ việc khiếu nại, tố cáo, phức tạp, nổi cộm ở địa phương để tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ việc.

Qua công tác theo dõi, nắm tình hình, Ban Dân nguyện nhận thấy tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội tuy thời gian gần đây có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và tạo thành “điểm nóng” sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát và các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng ở một số địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Ban Dân nguyện. Báo cáo đã nêu kết quả thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước đi vào nền nếp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động theo chức năng, nhiệm vụ của mình để tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực phụ trách.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các báo cáo cần khắc phục hạn chế, để báo cáo thật sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn. Ngoài ra, tới đây, cần giao cho các đoàn giám sát thống kê, kiểm đếm tất cả những vụ việc nổi cộm, tồn đọng để chỉ rõ cho các cấp có thẩm quyền giải quyết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc phiên họp thứ năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.