Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bê bối tin giả của Bloomberg

Minh Hiếu| 30/12/2019 21:25

(HNMO) - Tuần qua, Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Pháp (AMF) đã ra quyết định phạt hãng tin Bloomberg của Mỹ khoản tiền 5 triệu euro vì vụ bê bối tin giả hồi năm 2016 khiến Tập đoàn xây dựng Vinci của nước này thiệt hại hàng tỷ euro trên thị trường.

Ảnh minh họa: Internet

Theo điều tra của AMF, ngày 22-11-2016, hai phóng viên của Bloomberg thường trú tại thủ đô Paris đã nhanh chóng soạn thảo và xuất bản một bản tin dựa trên thông cáo báo chí giả, khẳng định Vinci đã sa thải Giám đốc phụ trách tài chính Christian Labeyrie sau khi phát hiện những sai sót kế toán lên tới hàng tỷ euro. Điều đáng nói là thông cáo này đã bị giả chữ ký của người đứng đầu cơ quan truyền thông của Tập đoàn xây dựng Vinci và được đăng tải trên trang web giả mạo vinci.group, có đường link gần giống với trang web chính thức của tập đoàn là vinci.com.

Dù chỉ 24 phút sau khi tin giả xuất hiện, Vinci đã phủ nhận thông tin đưa ra trong thông cáo báo chí giả mạo và khẳng định sẽ điều tra mọi hành vi pháp lý liên quan, song cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm giá đến 18% trên thị trường chứng khoán Paris trong tháng 11-2016 sau khi tin tức trên bị lan truyền.

AMF cáo buộc hãng tin Bloomberg đã cho phép xử lý và xuất bản thông tin mà lẽ ra hãng này phải biết là giả mạo. Điều này đồng nghĩa với việc Bloomberg đã không tôn trọng đạo đức báo chí khi đưa tin mà không xác minh kỹ nguồn tin. Phản ứng với quyết định này, Bloomberg bày tỏ thất vọng và cho biết sẽ kháng cáo.

Đại diện Bloomberg cho rằng, hãng tin này chỉ là nạn nhân của một vụ lừa đảo tinh vi và đáng lẽ AMF cần phải tìm ra thủ phạm đăng thông cáo giả mạo thay vì xử phạt Bloomberg. Đây cũng là lần đầu tiên một hãng truyền thông bị phạt với số tiền lớn như vậy ở Pháp, liên quan đến những vi phạm về cung cấp thông tin.

Không chỉ tại Pháp, cuộc chiến chống tin giả đang trở thành một nỗ lực ở quy mô toàn cầu. Ngày 18-3-2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên internet. Cụ thể, chính quyền nước này có thể khóa các trang web không đáp ứng yêu cầu về việc xóa bỏ những nội dung sai lệch và các cá nhân có thể bị phạt tới hơn 8.000 USD vì phát tán và lan truyền tin tức giả mạo trực tuyến gây ảnh hưởng tới trật tự công cộng.

Còn tại Singapore, luật chống phát tán tin giả vừa chính thức có hiệu lực vào tháng 10-2019 quy định các công ty và cá nhân vi phạm luật có thể sẽ bị xử lý hình sự. Đối với các công ty, mức phạt lên tới 1 triệu SGD trong khi cá nhân có thể bị phạt 100.000 SGD hoặc ngồi tù lên tới 10 năm hoặc cả hai.

Tại kỳ họp lần thứ 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại thành phố New York (Mỹ) hồi tháng 9 vừa qua, tổng cộng 20 quốc gia, trong đó có Pháp đã ký kết thỏa thuận nhằm ngăn chặn hành vi lan truyền tin tức giả mạo trực tuyến. Thỏa thuận này do Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đề xuất, trong đó các bên tham gia cam kết đẩy mạnh thông tin độc lập, đa dạng và xác thực trên mạng internet. Phát biểu bên lề kỳ họp, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh, sự xuất hiện của không gian kỹ thuật số toàn cầu đang làm thay đổi thế giới thông tin, mang lại nhiều tiến bộ song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bê bối tin giả của Bloomberg

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.