Hãng tin CTK của Séc đưa tin tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử đầu tiên, từ 14 giờ đến 22 giờ (giờ Séc) ngày 12-1, khá cao so với truyền thống bầu cử ở nước này, với khoảng 40% số cử tri đã tham gia bỏ phiếu.
Trong khi đó, số người đi bỏ phiếu trong ngày thứ nhất bao giờ cũng thấp hơn hẳn ngày thứ hai vì đó là ngày làm việc bình thường.
Phần lớn các cử tri đi bỏ phiếu trong ngày đầu tiên là người về hưu. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+) |
Nguồn tin trên cho biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các khu vực là không đồng đều, cao nhất ở thủ đô Prague với gần 50% số cử tri, trong khi tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử ở tỉnh Karlovy Vary thấp hơn nhiều (30%).
Theo kế hoạch, tất cả các điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Cộng hòa Séc sẽ đóng cửa vào lúc 14 giờ (tức 20 giờ, giờ Hà Nội) ngày 13/1. Kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào cuối ngày 13/1.
Lãnh đạo các đảng phái ở Cộng hòa Séc cũng đi bỏ phiếu sớm và công khai sự lựa chọn của mình. Thủ tướng Andrej Babis ủng hộ đương kim Tổng thống Milos Zeman.
Thủ lĩnh phong trào Trưởng lão và những người độc lập (STAN) dành thiện cảm đối với ứng cử viên Jiri Drahos - cựu Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Séc. Còn Chủ tịch đảng Pirate Séc Ivan Bartos bỏ phiếu cho ứng cử viên Marek Hilšer, vốn là bác sỹ.
Trong khi đó, những người từ 60 tuổi trở lên thường có thiện cảm với đương kim Tổng thống Zeman. Các cử tri trẻ hơn có sự lựa chọn đa dạng, trong đó nhiều người cho biết họ bầu cho ứng cử viên Jiri Drahos.
Theo Hiến pháp Cộng hòa Séc, nếu trong vòng một (12 và 13-1) không có ứng cử viên nào giành được số phiếu quá bán, hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ chạy đua trong vòng hai được tiến hành sau đó hai tuần (26 và 27-1).
Hoạt động bầu cử tại tất cả các điểm bỏ phiếu trên cả nước đều diễn ra suôn sẻ, riêng một điểm bỏ phiếu ở Prague đã xảy ra sự cố khi có một phụ nữ gây rối, chỉ trích đương kim Tổng thống Zeman ủng hộ chính sách “dựa vào sức mạnh” của nước ngoài.
Trước đó, chiến dịch tranh cử của ông Zeman cũng gặp rắc rối do có người tung tin giả cho rằng những người ủng hộ ứng cử viên này không cần phải đi bỏ phiếu trong vòng một vì đương kim tổng thống "có quyền đương nhiên" lọt vào vòng hai.
Séc là quốc gia theo chế độ cộng hòa đại nghị. Quyền hành chính tối cao tập trung vào chính phủ và quyền hạn của tổng thống hầu như chỉ mang tính đại diện. Tuy nhiên, trên thực tế, vị trí tổng thống ở Séc vẫn có tầm ảnh hưởng nhất định đối với đời sống chính trị ở quốc gia Đông Âu này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.