Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu cử sớm ở Pakistan: Chặng đường không bằng phẳng

Trung Hiếu| 26/07/2013 07:08

(HNM) - Tòa án Tối cao Pakistan vừa ấn định lại thời gian bầu cử tổng thống nước này. Theo đó, ngày 24-7, tòa án đã ra phán quyết yêu cầu Ủy ban bầu cử Pakistan tiến hành bầu cử tổng thống vào ngày 30-7, sớm hơn một tuần so với kế hoạch trước đó là ngày 6-8.

Cuộc bầu cử sớm hơn dự định là để tránh trùng thời điểm với các cuộc hành hương nhân tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo vào tuần đầu tiên của tháng 8 tới.

An ninh tại Pakistan vẫn là thách thức lớn đối với chính quyền Islamabad.



Cùng thời gian này, ứng cử viên của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N (PML-N) cầm quyền, ông Mamnoon Hussain, được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, đã nộp đơn ứng cử, để cạnh tranh với Thượng nghị sĩ Raza Rabbani thuộc đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của Tổng thống Asif Ali Zardari. Trong khi đó, đại diện của đảng Tehreek-e-Insaf là một thẩm phán đã nghỉ hưu.

Như vậy, các nhân vật trong cuộc đua tranh chiếc ghế quyền lực ở quốc gia Nam Á đã chính thức lộ diện. PML-N đề cử ông M.Hussain với niềm tin cựu tỉnh trưởng tỉnh miền Nam Sindh sẽ đóng vai trò tích cực trong giải quyết những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt. Phát biểu sau khi nộp đơn ứng cử Tổng thống lên Tòa án Tối cao Pakistan, vị cựu tỉnh trưởng cam kết sẽ là một tổng thống "vì toàn thể nhân dân" và sẽ rời bỏ PML-N nếu đắc cử. Tuyên bố này cho thấy, ông M.Hussain không muốn theo "vết xe" của đương kim Tổng thống A.A.Zardari vốn bị chỉ trích nặng nề vì cùng lúc ngồi ghế tổng thống nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch đảng PPP. Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng, ông M.Hussain sẽ thắng cử vì PML-N chiếm đa số tại Quốc hội và trong Hội đồng tỉnh Punjab, tỉnh lớn nhất, đông dân nhất (chiếm 56% dân số) ở Pakistan...

Dẫu vậy, quyết định cuối cùng vẫn phụ thuộc vào những lá phiếu của cử tri Pakistan vào ngày 30-7 tới. Thế nhưng, dù nhân vật nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới tại Pakistan cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Vì hơn 5 năm qua, chính quyền của Tổng thống A.A.Zardari luôn bị chỉ trích về khả năng điều hành kinh tế quá yếu kém. Pakistan vẫn trong tình trạng tăng trưởng thấp, lạm phát cao, không tạo được việc làm cho hàng triệu người gia nhập thị trường lao động mỗi năm. Quốc gia Nam Á thậm chí đã rơi vào tình trạng "hỗn loạn" do thiếu điện nghiêm trọng (cắt điện 20giờ/ngày). Đây được cho là trở ngại lớn nhất với tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, Pakistan đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán. Mặc dù chính quyền Islamabad đặt mục tiêu kiềm chế thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 4,7% GDP trong năm tài chính hiện nay, song hầu hết các nhà phân tích cho rằng mức thâm hụt có thể sẽ cao hơn nhiều. Mới đây, quốc gia này đã phải cầu viện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với khoản tín dụng 5,3 tỷ USD trong thời hạn 3 năm để giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ngày 23-7, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Ishaq Dar chua chát bày tỏ rằng, không còn sự chọn lựa nào khác ngoài phải vay tiền để cứu đất nước tránh rơi vào cảnh phá sản. Theo số liệu của Pakistan, tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức 6,3% nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu khu vực thì thực tế cao hơn nhiều.

Trong khi đó, thách thức về an ninh được xem là khôn lường với tân tổng thống để chèo lái con thuyền kinh tế đất nước. Các vụ đánh bom, tấn công khủng bố do tàn quân Taliban và các phần tử khủng bố Al-Qaeda đang ẩn náu ở các khu vực bộ lạc dọc biên giới với Afghanistan thực hiện liên tục xảy ra với tần suất ngày một dày hơn. Trong một diễn biến mới, ngày 24-7, ít nhất 6 người thiệt mạng và 40 người khác bị thương khi phiến quân không rõ danh tính tấn công trụ sở Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) ở huyện Sukkur thuộc tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan. Còn trên phương diện đối ngoại, các vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Pakistan nhằm vào các phần tử khủng bố gây thương vong cho cả dân thường đã và đang làm "sứt mẻ" quan hệ Islamabad với Washington. Vấn đề nan giải này cũng đòi hỏi một tổng thống mới phải có những quyết sách hữu hiệu.

Rõ ràng, chặng đường phía trước với một tân Tổng thống Pakistan sẽ không có thảm đỏ và hoa hồng. Để chèo lái con thuyền Pakistan đi đúng hướng trong bối cảnh đầy sóng gió hiện nay là thách thức lớn với bất kỳ nhân vật nào thắng cuộc trong cuộc đua trước tháng lễ Ramadan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử sớm ở Pakistan: Chặng đường không bằng phẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.