Thế giới

Bầu cử Hạ viện và Hội đồng đại biểu địa phương Belarus: Phép thử niềm tin

Thế Hiệp 25/02/2024 - 07:46

Ngày 24-2, Belarus tiến hành bầu cử Hạ viện và Hội đồng đại biểu địa phương. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi Hiến pháp nước này được sửa đổi thông qua cuộc trưng cầu dân ý cách đây 2 năm.

cu-tri-belarus-di-bo-phieu-.jpg
Cử tri Belarus đi bỏ phiếu sớm trong ngày 21-2.

Dù Tổng thống Alexander Lukashenko không là thành viên của đảng phái nào, song tỷ lệ phiếu bầu dành cho các đảng ủng hộ ông cũng được xem là thước đo mức độ tín nhiệm trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2025.

Tham gia tranh cử Hạ viện và Hội đồng đại biểu địa phương lần này gồm 4 đảng: Đảng Cộng sản, đảng Belaya Rus, đảng Dân chủ Tự do Belarus, đảng Lao động và Công lý Cộng hòa. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Belarus Igor Karpenko cho biết, có 265 ứng cử viên cạnh tranh 110 ghế tại Hạ viện. Hơn 18.000 ứng cử viên cạnh tranh 12.514 vị trí tại các hội đồng địa phương.

Sau làn sóng biểu tình phản đối một số chính sách của Tổng thống Alexander Lukashenko vào năm 2020 dẫn tới những thay đổi lớn trong Hiến pháp, cuộc bầu cử Hạ viện nhiệm kỳ mới cùng cuộc bầu cử Thượng viện sẽ được tổ chức vào tháng 4 tới được kỳ vọng sẽ mang đến “làn gió mới” cho Belarus, nhờ vào việc triển khai những chính sách vừa có hiệu lực.

Theo đó, Hạ viện mới của Belarus trở thành cơ quan đại diện cao nhất đất nước, có quyền phê chuẩn các chính sách đối nội và đối ngoại, các học thuyết quân sự và các khái niệm an ninh quốc gia. Cơ quan này có quyền miễn nhiệm tổng thống khi người này vi phạm Hiến pháp một cách có hệ thống và nghiêm trọng. Tổng thống sẽ không được nắm quyền hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng chỉ có hiệu lực từ tổng thống tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko, người đã nắm quyền hơn 20 năm, có thể tại vị thêm 10 năm nữa.

Cùng với sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Alexander Lukashenko cũng vừa ký ban hành Luật “Tổng thống Cộng hòa Belarus” sửa đổi, quy định chi tiết quyền hạn của người đứng đầu đất nước. Cụ thể là: Củng cố quyền hạn của Tổng thống trong việc đưa ra các đề xuất với Quốc hội về việc bầu chủ tịch, các phó chủ tịch Quốc hội và thẩm phán Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, chủ tịch và các thành viên Ủy ban Bầu cử Trung ương, cũng như các đề xuất về khả năng cử quân nhân ra nước ngoài tham gia hoạt động bảo đảm an ninh tập thể và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Các yêu cầu đối với một ứng cử viên tổng thống cũng được làm rõ như phải trên 40 tuổi, có quyền bầu cử, sinh sống ở Belarus trong ít nhất 20 năm trước bầu cử, không có quốc tịch nước ngoài, giấy phép cư trú hoặc các giấy tờ khác của nước ngoài.

Theo các nhà phân tích, cả 4 đảng tham gia bầu cử lần này đều ủng hộ Chính phủ Belarus. Bởi vậy, tỷ lệ cử tri đi bầu cử cũng như số phiếu bầu sẽ là một bài “sát hạch” uy tín dành cho Tổng thống Alexander Lukashenko sau 4 năm xảy ra cuộc biểu tình khiến đất nước chao đảo. Việc các đảng phái đối lập bị loại khỏi tiến trình bầu cử cũng được cho là một trong những nguy cơ có thể “châm ngòi” làm bùng phát làn sóng phản đối trong thời gian tới. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với Tổng thống Alexander Lukashenko trước thềm cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2025.

Là quốc gia đồng minh thân cận của Nga, tương tự như nhiều quốc gia khác trong không gian “hậu Xô viết” kể từ sau năm 1991, Belarus cũng là một mục tiêu nhiều thế lực hướng tới để triển khai “cách mạng sắc màu”. Thực tế, cuộc biểu tình năm 2020 tại thủ đô Minsk và hơn 30 thành phố lớn khác được coi như một nỗ lực của phe đối lập nhằm thay đổi chính quyền thân Nga tại Belarus như kịch bản các cuộc đảo chính từng xuất hiện tại Ukraine, Gruzia. Thời điểm đó, chính quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko buộc phải lựa chọn phương án vừa áp dụng các biện pháp cứng rắn để kiểm soát, trấn áp biểu tình, vừa có động thái “xuống thang”, nhượng bộ để xoa dịu tình hình.

Ngoài giải quyết thách thức về chính trị, việc “chèo chống” nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn cũng là một ưu tiên của Tổng thống Alexander Lukashenko. Là nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, Belarus phụ thuộc rất nhiều vào Nga, đối tác thương mại lớn nhất của nước này cho đến nay. Cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã làm tăng lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, hạn chế tiêu dùng và cản trở xuất khẩu của Belarus.

Trong bối cảnh trên, cuộc bầu cử lần này sẽ là một “phép thử” đối với chính quyền đương nhiệm. Vì một khi các cử tri đặt niềm tin vào những chính sách đổi mới vừa ban hành, họ sẽ sẵn sàng thể hiện sự tín nhiệm thông qua lá phiếu dù trước mắt các nhà lãnh đạo Belarus còn nhiều trở ngại cần vượt qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bầu cử Hạ viện và Hội đồng đại biểu địa phương Belarus: Phép thử niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.