(HNM) - Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Tuy vậy, trong các kênh đầu tư phổ biến hiện nay, các chuyên gia cho rằng bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả.
Nên đầu tư vào đâu?
Có hơn 300 triệu đồng nhàn rỗi, tuy nhiên trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vợ chồng anh Đào Anh Tuấn (Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông) không khỏi băn khoăn trong việc tìm kiếm kênh đầu tư hiệu quả. “Giá vàng tăng giảm thất thường trong thời gian qua khiến vợ chồng tôi không dám mua. Trong khi đó chứng khoán sau một giai đoạn phục hồi lại tiếp tục xuống dốc; gửi tiết kiệm ngân hàng thì lãi suất hiện giảm khá thấp...”, anh Tuấn chia sẻ.
Đầu tư vào đâu hiệu quả trong giai đoạn này? Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, điều này phụ thuộc vào “khẩu vị” của nhà đầu tư. Nếu sợ rủi ro, gửi tiết kiệm là kênh ưa thích; còn chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư sẽ lựa chọn kênh đầu tư khác. “Phương châm của tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư nên đa dạng hóa và chấp nhận rủi ro một chút. Vàng đã qua thời kỳ lướt sóng, nhưng vẫn có nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào vàng. Thị trường chứng khoán cũng là kênh hấp dẫn, song đòi hỏi phải theo dõi thị trường chặt chẽ, phải động não suy nghĩ... Bất động sản an toàn hơn nếu đầu tư trong trung và dài hạn”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới thị trường bất động sản Việt Nam, song theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, thực tế cho thấy, trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả. Bởi khi xảy ra khủng hoảng hay sau khủng hoảng, vàng, chứng khoán có thể giảm sút giá trị, nhưng bất động sản sẽ bật trở lại rất nhanh khi kinh tế phục hồi; đặc biệt với bất động sản ở những khu vực đã có quy hoạch, sẵn hạ tầng đồng bộ.
Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Savills Việt Nam (đơn vị tư vấn, quản lý bất động sản) cũng cho hay, giữa giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, Savills vẫn luôn có cái nhìn lạc quan và tin tưởng vào sự hồi phục của bất động sản. “Tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra là khó dự đoán. Song có thể khẳng định, bất động sản vẫn là một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả”, ông Neil MacGregor nhận định.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Lý giải nhận định về cơ hội đầu tư ở bất động sản, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết, ông nhận thấy cơ hội ở 3 lĩnh vực liên quan: Thứ nhất, cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp nhờ việc dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam được đánh giá là một trong 3 thị trường hấp dẫn nhất châu Á về logistics. Thứ ba, nhu cầu về nhà ở với mức giá phải chăng vẫn rất cao.
Còn ông Nguyễn Văn Đính cho hay, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng khá lớn tới thị trường bất động sản; nguồn cung, lượng giao dịch thấp nhất trong vòng 4 năm qua, song giá bán nhà ở không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. “Theo số liệu nghiên cứu, mức độ tăng giá bất động sản khoảng 5-7%/năm, như vậy sinh lợi hơn gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, bất động sản còn là kênh tích lũy tài sản được nhiều người lựa chọn. Với tốc độ đô thị hóa cùng tăng trưởng dân số, nhu cầu nhà ở luôn gia tăng, tiềm năng của thị trường còn rất lớn”, ông Đính chia sẻ.
Nhận định dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, song Tổng Giám đốc Công ty TNHH Savills Việt Nam Neil MacGregor tin tưởng thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn 2021-2022, nhờ vào những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Đánh giá về thị trường bất động sản, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho rằng, mặc dù còn có một số khó khăn nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, được thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng… vẫn còn lớn. Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu ban hành nhiều chính sách mới hỗ trợ thị trường bất động sản. Trong đó, Bộ Xây dựng đang được giao nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 về quản lý và phát triển nhà ở xã hội theo trình tự thủ tục rút gọn; Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 về cải tạo, xây dựng lại chung cư.
“Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở thương mại giá thấp...”, ông Nguyễn Trọng Ninh thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.