Bất động sản

Hà Nội: Đăng ký biến động, mua bán chuyển nhượng bất động sản không gia tăng đột biến

Bạch Thanh 10/04/2024 11:04

Hơn một tháng trở lại đây, nhiều người dân cho biết phải xếp hàng nhiều giờ để lấy số thứ tự đăng ký giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai tại một số quận, huyện của Hà Nội như: Hà Đông, Hoài Đức... Lãnh đạo các đơn vị khẳng định, đây chỉ là hiện tượng cục bộ. Tình trạng này đã được giải quyết.

Ngay sau khi các đơn vị điều chỉnh theo hướng tăng thời gian tiếp nhận hồ sơ, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên nghe đối tượng "cò mồi" dịch vụ, làm mất an ninh trật tự trên địa bàn, bởi thực tế, giao dịch liên quan đến đăng ký biến động mua - bán, chuyển nhượng bất động sản không gia tăng đột biến.

ha-dong.jpg
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" quận Hà Đông, trong đó có thủ tục về đất đai. Ảnh: Bạch Thanh.

Tổng số hồ sơ tiếp nhận không tăng

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông là một trong những chi nhánh có số lượng người dân đến đăng ký giải quyết thủ tục về đất đai gia tăng trong một số ngày nhất định, dẫn tới trên nhiều trang báo điện tử và mạng xã hội đưa tin, hình ảnh người dân xếp hàng từ sáng sớm để lấy số và cho rằng thị trường bất động sản đang “nóng sốt”, giá bị đẩy lên cao từng ngày...

Tuy nhiên, khác hẳn cảnh đông đúc đó, trong các ngày của tuần đầu tháng 4 và 2 ngày gần đây là 8 và 9-4, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông chỉ tiếp nhận 278 hồ sơ, trong đó, đăng ký biến động là 163 hồ sơ; còn lại là giao dịch đảm bảo. So với các ngày của tuần trước, số hồ sơ tiếp nhận chung và hồ sơ về đăng ký không tăng đột biến.

Trong quý I-2024, tổng số hồ sơ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông tiếp nhận là hơn 7.400 hồ sơ, thấp hơn quý IV-2023 (gần 7.900 hồ sơ). Trong đó, số hồ sơ đăng ký giao dịch đảm bảo và biến động đất đai tương đương nhau, lần lượt là 3.385 và 3.990 hồ sơ.

hoai-duc.jpg
Người dân đến thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoài Đức. Ảnh: Bạch Thanh.

Còn theo số liệu từ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoài Đức, trong quý I-2024, chi nhánh tiếp nhận khoảng 3.000 hồ sơ liên quan đến đất đai, trong đó, số hồ sơ về đăng ký biến động đất đai (có giao dịch chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho…) chỉ hơn 1.000 hồ sơ, chiếm 1/3. Đầu tháng 4, chi nhánh tiếp nhận khoảng 60-70 hồ sơ/ngày.

Số liệu từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cũng cho thấy, số lượng hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai có tăng, nhưng không đột biến. Cụ thể, tháng 1-2024 là 3.475 hồ sơ; tháng 2-2024 có 1.584 hồ sơ (dịp Tết Nguyên đán); tháng 3-2024 có 3.434 hồ sơ.

Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoài Đức Trần Hữu Tĩnh cho hay, trong những tháng đầu năm, giao dịch đăng ký biến động về đất đai trên địa bàn huyện không nhiều. Thủ tục liên quan đến đất đai mà đơn vị tiếp nhận giải quyết chủ yếu là giải chấp, thế chấp và đăng ký biến động đất đai sau giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của thành phố… Hoài Đức là huyện ven đô, còn diện tích đất nông nghiệp, do đó, thủ tục liên quan đến thừa kế, cho tặng loại hình đất này khá phổ biến; còn giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản, nhất là đất ở không nhiều...

Báo cáo từ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các địa phương cũng cho thấy, số lượng hồ sơ về đất đai trong quý I-2024 tập trung nhiều vào hoạt động đăng ký giao dịch đảm bảo, giải chấp, thế chấp, chứ không chỉ tập trung lĩnh vực giao dịch chuyển nhượng đất đai.

ha-dong1(1).jpg
Người dân đến giải quyết thủ tục liên quan đến đất đại tại bộ phận "một cửa" quận Hà Đông tuy đông nhưng vẫn bảo đảm giao dịch thuận lợi. Ảnh: Bạch Thanh.

Bảo đảm giải quyết kịp thời lượng hồ sơ tăng thêm

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, trong hơn một tháng trở lại đây, cá biệt có vài ngày, lượng người dân đến giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai tại một số đơn vị, như quận Hà Đông, tăng đột biến ở thời điểm nhất định. Tuy nhiên, số ngày cũng như thời gian không nhiều, thậm chí là chỉ vào đầu giờ sáng.

Một số người dân đến thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai, khi hết số tiếp nhận trong buổi sáng đã tỏ ra lo lắng, dẫn tới hiệu ứng đám đông, hôm sau đến sớm, thậm chí nhiều người còn xếp hàng từ 3h sáng để lấy số.

Bà Trần Thị Phượng, người dân đến giải quyết thủ tục đăng ký biến động đất đai cho thửa đất tại phường Đồng Mai (quận Hà Đông) thừa nhận, cách đây nửa tháng, do 2 lần đến nộp hồ sơ vào đầu giờ sáng đều hết số, nghe theo một số người phải đến xếp hàng từ 2h sáng mới đến lượt, nên bà Phượng cũng bị hiệu ứng đám đông.

"Thực tế, không cần thiết phải xếp hàng lấy số sớm như vậy, sau 13 ngày đến nhận kết quả theo giấy hẹn, tôi thấy việc đến lấy số điện tử, dù đông nhưng không đến mức phải chờ đợi cả buổi hoặc phải xếp hàng lấy số từ sáng sớm như một số trang mạng xã hội thông tin", bà Phượng nói.

Tuy hồ sơ giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai không tăng đột biến cả quý I-2024, nhưng để giải quyết kịp thời lượng hồ sơ tăng thêm, tránh tình trạng đông cục bộ, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các phòng, chi nhánh mở cửa sớm hơn từ 30 phút đến 1 giờ để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

vpdkd2.jpg
Người dân tới thực hiện các thủ tục liên quan tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đông nhưng không tăng đột biến. Ảnh: Bạch Thanh.

Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cũng yêu cầu các văn phòng tăng cường cán bộ hướng dẫn người dân, mở thêm cửa tiếp nhận, đáp ứng lượng hồ sơ tăng thêm; cán bộ chi nhánh làm thêm ngoài giờ hành chính các ngày trong tuần và cả thứ bảy, chủ nhật nếu lượng hồ sơ tăng đột biến. Đơn vị cũng phối hợp cơ quan công an địa phương bảo đảm ổn định tình hình, xử lý đối tượng chèo kéo gây mất an ninh trật tự; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân không bắt tay với "cò mồi"; sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp và xóa thế chấp để tránh phải xếp hàng nộp hồ sơ mà vẫn không được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đăng ký biến động, mua bán chuyển nhượng bất động sản không gia tăng đột biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.