Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất đồng liên quan đến vấn đề tư pháp giữa EU và Ba Lan: Nấc thang căng thẳng mới

Quỳnh Dương| 21/02/2023 06:56

(HNM) - Căng thẳng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan liên quan tới vấn đề tư pháp tiếp tục leo thêm một nấc thang mới khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa vụ việc này ra Tòa án công lý châu Âu (ECJ). Đây là bước đi cuối cùng trong tiến trình pháp lý kéo dài hơn 3 năm qua đối với Ba Lan. Động thái mới của EC cho thấy, tranh cãi về cải cách tư pháp giữa EU và Ba Lan vẫn chưa tìm được biện pháp hóa giải.

Tòa án công lý châu Âu là nơi giải quyết tranh cãi về cải cách tư pháp giữa EU và Ba Lan trong thời gian tới.

Thông báo về quyết định mới này, EC cho biết, cuộc cải cách tại Ba Lan làm suy yếu tính độc lập của cơ quan tư pháp. Điều này đã vi phạm luật pháp EU. Hành động của cơ quan lập pháp Ba Lan không chỉ vi phạm các nguyên tắc của EU mà còn tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp nước này gây ảnh hưởng, thậm chí là can thiệp vào cơ cấu tổ chức, thẩm quyền cũng như hoạt động chuyên môn của cơ quan tư pháp. EU có thể sẽ áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon, vốn quy định EU có thể tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại EC, nếu quốc gia này không thực hiện đầy đủ những yêu cầu của EU.

Bất đồng giữa EC và Ba Lan bùng phát từ cuối năm 2017, Ba Lan thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao với nhiều điểm mới, trong đó cho phép Quốc hội do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền chiếm đa số có thể chọn lựa thành viên Hội đồng Tư pháp quốc gia (KRS) và có quyền bổ nhiệm thẩm phán. Điều này khiến PiS có thể tăng cường quyền kiểm soát chính trị với Tòa án Tối cao. Suốt 3 năm qua, EC đã tiến hành các cuộc đối thoại với Ba Lan để giải quyết tranh cãi, hai bên hầu như không đạt được tiến triển nào. Thay vì nhượng bộ trước áp lực của EU, Tòa án Hiến pháp Ba Lan đã ra phán quyết rằng, một số phần của các hiệp ước, theo đó Ba Lan trở thành thành viên EU, không thể được coi là quan trọng hơn Hiến pháp nước này. Tòa án Hiến pháp Ba Lan cũng cho biết, họ không chỉ có quyền xem xét tính hợp hiến của luật pháp EU, mà còn bao gồm các phán quyết của Tòa án Tư pháp châu Âu, cơ quan pháp lý cao nhất của EU. Phản ứng trước động thái của Ba Lan, các quan chức EU cho rằng, Ba Lan đang thách thức nền tảng pháp lý và đụng chạm tới giá trị cốt lõi của liên minh này.

Không chỉ chia rẽ với EU, tranh cãi về cải cách tư pháp còn khiến cho liên minh 2 đảng trong Chính phủ Ba Lan lâm vào tình trạng bất đồng. Bởi, nếu không sửa đổi những điều khoản tư pháp theo đúng tiêu chuẩn của EU, Ba Lan sẽ không được giải ngân phần lớn số tiền viện trợ phát triển trị giá 75 tỷ euro, giúp củng cố sự vững mạnh của nền kinh tế, tăng cường an ninh của đất nước. Bộ trưởng phụ trách vấn đề EU của Ba Lan Szymon Szynkowski vel Sek cho biết, nếu các sửa đổi luật Tòa án Tối cao của nước này được thông qua cùng các yêu cầu khác của EC được giải quyết, cơ quan điều hành của EU có thể bắt đầu xử lý đề nghị thanh toán và có khả năng tiền sẽ được giải ngân cho Ba Lan vào cuối mùa xuân. Tuy nhiên, đảng Đoàn kết Ba Lan (PS) gọi số tiền nói trên là một khoản vay rất tốn kém và bày tỏ lo ngại rằng việc đáp ứng các yêu cầu của EC có thể hạn chế chủ quyền của Ba Lan. Trong khi đó, PiS cho rằng, sẽ tìm kiếm một liên minh mới nếu SP không thỏa hiệp. Liên minh cầm quyền tại Ba Lan hiện giữ 229 ghế tại hạ viện, trong đó PiS có 193 ghế, còn PS có 20 ghế.

Hiện, quy trình xử lý vụ kiện của EC nhằm vào Ba Lan chưa được ECJ thông báo cụ thể. Tuy nhiên, đây sẽ là một trở ngại lớn đối với nỗ lực nhất thể hóa “ngôi nhà chung” 27 thành viên. Sau cú sốc Anh rời khỏi EU, căng thẳng liên quan tới Ba Lan đang khiến dư luận hoài nghi về khả năng nước này sẽ trở thành thành viên tiếp theo chia tay với liên minh, hay còn gọi là Polexit trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất đồng liên quan đến vấn đề tư pháp giữa EU và Ba Lan: Nấc thang căng thẳng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.