Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ sự hài lòng của người dân

Nguyễn Mai| 29/12/2017 07:31

(HNM) - Công tác đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới đang được Hà Nội tích cực thực hiện.

Nông thôn mới đã mang lại môi trường trong sạch tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt


Môi trường được cải thiện

Từ nhiều năm nay, nguồn nước sạch luôn là niềm khao khát của người dân xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất). Do đặc điểm tự nhiên, nguồn nước sạch ở đây rất khan hiếm; người dân địa phương phải bỏ tiền mua nước giá cao nhưng cũng không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Chàng Sơn được đầu tư mạng lưới nước sạch, khai thác từ tháng 10-2017. Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết, đến nay toàn xã có 2.000 hộ gia đình được sử dụng nước sạch, doanh nghiệp đang tiếp tục lắp đặt đường ống để cấp nước cho 500 hộ còn lại trong thời gian sớm nhất. “Trước đây, ở xã Chàng Sơn, nhiều gia đình phải chi tiền triệu mỗi tháng để mua nước sinh hoạt về dùng. Nay được cung cấp nước sạch, gia đình tôi dùng cả tháng chỉ hết hơn một trăm nghìn đồng, tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ”, ông Thịnh nói.

Có thể thấy, với sự quan tâm của thành phố, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành và địa phương, người dân nông thôn Hà Nội được tiếp cận với nước sạch ngày một tăng. Toàn thành phố hiện đã có gần 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Tại các huyện Thạch Thất và Quốc Oai trong thời gian qua đã có thêm hàng chục xã có nước sạch cho người dân sử dụng.

Ngoài cải thiện điều kiện cấp nước sạch, công tác vệ sinh môi trường nông thôn cũng được nhiều địa phương của thành phố chú trọng. Tại xã Phú Sơn (huyện Ba Vì), đã thành nếp, người dân tham gia tổng vệ sinh vào các ngày cuối tuần. Ông Chu Thanh Hào, Chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho hay: Triển khai xây dựng nông thôn mới, xã đã xây dựng kế hoạch, duy trì tổng vệ sinh môi trường, nạo vét khơi thông cống rãnh, giải phóng hành lang giao thông, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp. Nhờ vậy, những con đường giao thông ngõ xóm trong các thôn của xã rất sạch đẹp. Người dân xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt sạch sẽ; chăn nuôi xa khu dân cư, chuồng trại hợp vệ sinh; nghĩa trang được quy hoạch phù hợp…

Mới đây, khi Tổ công tác của thành phố đánh giá, chấm điểm địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, môi trường vẫn được xem là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của TP Hà Nội và các địa phương, thời gian qua, tiêu chí này đã đạt kết quả cao. Tại các xã khó khăn như Phú Sơn (huyện Ba Vì), Đông Yên (huyện Quốc Oai), Phú Kim (huyện Thạch Thất)… việc thực hiện tốt tiêu chí này đã góp phần cải thiện môi trường sống, được thành phố đánh giá cao.

Nhân dân đoàn kết

Nét nổi bật trong năm 2017 của Hà Nội là xuất hiện ngày càng nhiều hơn những nét đẹp trong xây dựng nông thôn mới. Ở nhiều địa phương, nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, “tình làng nghĩa xóm” vốn là truyền thống tốt đẹp lâu đời ở khu vực nông thôn đã được phát huy. Ông Vũ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ cho hay: "Là xã rộng, triển khai xây dựng nông thôn mới, nhân dân địa phương đã chung sức, đồng lòng tham gia. Ví như tại thôn Liên Hợp, các gia đình đã đóng góp xây dựng một nhà tang lễ trị giá 360 triệu đồng, xây dựng một tuyến đường từ thôn ra nghĩa trang trị giá hơn 400 triệu đồng... Toàn bộ số tiền đều là xã hội hóa, người dân tự nguyện đóng góp, coi việc công của làng, xóm như chính việc gia đình mình".

Tương tự, ông Nguyễn Gia Thọ, Bí thư Chi bộ thôn Nhật Tiến (xã Trường Yên) cho biết, người dân đã đóng góp được hơn 2 tỷ đồng để cải tạo 2 hồ sinh thái, 3 khu vui chơi thể thao…, qua đó tạo phong trào thể dục, thể thao sôi nổi trong nhân dân. Hằng năm, vào dịp Tết Dương lịch, các gia đình trong thôn thường tổ chức liên hoan đoàn kết đón năm mới, giao lưu ca hát, thể thao rất sôi nổi, ấm áp. “Tâm sự với những người cao tuổi ở thôn, họ đều khẳng định từ khi sinh ra và lớn lên chưa bao giờ thấy làng quê vui vầy, no đủ như hôm nay”, ông Thọ cho biết thêm.

Đây cũng là nét chuyển biến quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Nhận xét, đánh giá về kết quả xây dựng nông thôn mới trong năm 2017, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng, mặc dù chưa có báo cáo cụ thể nhưng có thể thấy rõ, nông thôn mới đã và đang hiện hữu trên thực tế, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Quá trình đánh giá xã đạt chuẩn hay không đạt chuẩn qua nhiều khâu: Xã tự chấm, huyện phúc tra và thành phố tiếp tục thẩm định lại. Tuy nhiên, tất cả sẽ không đạt được kết quả nếu thiếu sự hài lòng của người dân. Và đối với tất cả các địa phương đã và đang được Tổ công tác của thành phố đánh giá, chấm điểm nông thôn mới, tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ sự hài lòng của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.