Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất an với phở, bún gắn mác "sạch"

Việt Tuấn| 14/08/2013 06:51

(HNM) - Được coi là cơ sở cung cấp bún, bánh phở sạch cho nhiều siêu thị nhưng Công ty TNHH Cát Tường (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vừa bị Sở Công thương TP Hồ Chí Minh công bố là một trong 3 cơ sở sản xuất thực phẩm có chứa chất độc hại...

Như Hànộimới đã đưa tin, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh vừa công bố 6 mẫu sản phẩm gồm bún tươi, bánh phở, bánh hỏi của 3 cơ sở sản xuất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có chứa Tinopal, Acid Oxalic (hóa chất công nghiệp) không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế và Natri sulfite là chất có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng vượt mức cho phép. Cụ thể, 4 mẫu bánh hỏi của hộ kinh doanh Hoàng Thành (751/40H/15 Hồng Bàng, phường 6, quận 6); một mẫu bún bò có chứa Tinopal (hàm lượng 0,35mg/kg) của hộ kinh doanh Phương Dung (71/486E Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp) và một mẫu bánh phở có chứa Acid Oxalic của Công ty TNHH Cát Tường (38/73 đường 50, phường 14, quận Gò Vấp). 

Một cơ sở sản xuất bún tươi ở TP Hồ Chí Minh.


Điều đáng nói là trước đó ít ngày, đại diện Công ty TNHH Cát Tường - một đơn vị được coi là tiêu biểu cho cơ sở sản xuất bún, bánh phở "sạch" của TP Hồ Chí Minh đại diện cho nhiều hộ kinh doanh cùng lĩnh vực ký cam kết không sử dụng hóa chất độc hại trước Sở Công thương và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Theo ghi nhận, mỗi ngày cơ sở này cung cấp cho thị trường thành phố 4 tấn bún và giao ở nhiều siêu thị. Lo ngại thêm, mẫu bún bánh phở chứa chất acid oxalic được đoàn kiểm tra liên ngành TP Hồ Chí Minh lấy tại Metro An Phú có nhãn hiệu Cát Tường. Lãnh đạo Công ty TNHH Cát Tường thừa nhận là dán nhãn mác là đúng, nhưng không phải do công ty sản xuất mà đặt gia công từ cơ sở khác. Cơ sở này cũng đã thừa nhận mẫu sản phẩm chứa acid oxalic dán hiệu Cát Tường do họ cung cấp. Trước thông tin này, nhiều người dân TP Hồ Chí Minh lo ngại, liệu việc ký cam kết có giống như làm "phong trào"? Ký cam kết cứ ký, có làm theo cam kết hay không là việc khác và cần cơ quan chức năng vào cuộc sâu hơn nữa.

Cần một chữ "tâm"

Tính đến thời điểm này, các đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 241 lượt/212 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ bột, tinh bột; lấy 166 mẫu gửi đi kiểm nghiệm, phân tích các chỉ tiêu Tinopal, Acid Oxalic, Natri sulfite và Natri benzoat. Riêng 3 cơ sở vi phạm, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã xử phạt tổng số tiền hơn 50 triệu đồng; thu hồi và tiêu hủy tang vật vi phạm.

Từ nhiều vụ việc vừa qua cho thấy, hiện chỉ có người sản xuất mới biết chính xác họ đã cho gì vào sản phẩm. Không chỉ người tiêu dùng mà cả người kinh doanh cũng bị lừa, nên cần đạo đức của các chủ cơ sở sản xuất thực phẩm trước tính mạng của người tiêu dùng. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, thực tế nhiều tiểu thương hiện nay chưa dám tố giác những người đến chào hàng "dởm". Tại buổi tập huấn cho tiểu thương, tình huống nếu có người bán hàng giả đến chào hàng thì tiểu thương sẽ làm thế nào? Câu trả lời phổ biến là không mua, đuổi họ tránh xa chỗ khác và rất ít người chọn giải pháp gọi ban quản lý chợ hay công an. Lý do vì sợ trả thù hoặc sợ phiền hà. Chính tâm lý trên khiến những đối tượng làm ăn phi pháp có nhiều đất sống, nếu gặp tiểu thương hám lợi thì họ càng làm ăn phát đạt.

Tại các cuộc họp, hội thảo chuyên đề gần đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học về thực phẩm cho rằng, trước đây trong một số sản phẩm có hàn the và chất ướp xác (formaldehyde) để làm cho bún dai, đẹp mã, lâu ôi thiu, nên các cơ quan chức năng chỉ tập trung kiểm soát hai chất này. Nay, một số cơ sở sản xuất thực phẩm từ gạo sử dụng chất khác là Tinopal, Acid Oxalic làm cho sản phẩm trắng, đẹp… để tránh bị phát hiện khi kiểm tra. Bởi phương pháp tìm hóa chất Tinopal trong các sản phẩm ăn liền làm từ bột gạo như bún, bánh hỏi, bánh canh, bánh ướt là hết sức khó khăn. Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn khẳng định: Ngay cả các phòng xét nghiệm hiện đại, nếu tay nghề của kỹ thuật viên xét nghiệm không cao, cũng sẽ không tìm được Tinopal, dễ dẫn đến báo cáo "không phát hiện" hay gọi là "âm tính" dù sản phẩm có chứa chất này. Vì thế, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xây dựng chế tài xử lý thích đáng của cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, cơ sở sản xuất thực phẩm, cần một chữ "tâm" đối với người tiêu dùng. Vì chuộc lợi mà gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân là tội ác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất an với phở, bún gắn mác "sạch"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.