Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ "vốn quý" của doanh nghiệp

Duy Biên| 13/04/2020 06:24

(HNM) - Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng trăm bếp ăn tập thể phục vụ cho hàng chục nghìn lao động làm việc tại các doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, với số lượng lao động lớn, việc bảo đảm an toàn cho người lao động tại các bếp ăn tập thể là rất cấp thiết.

Xác định bữa ăn ca, ăn trưa đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe và duy trì năng suất lao động cho cán bộ, công nhân viên, nên ngoài việc chuẩn bị những suất ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng, thì yêu cầu về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp đặt lên hàng đầu. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức lại nhà ăn ca và bếp ăn để phục vụ công nhân, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Cùng với việc kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu thực phẩm đầu vào nhằm hạn chế nguy cơ lây lan Covid-19 trong nhà ăn tập thể, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai phương án chia ca ăn, đầu tư bàn ăn có tấm chắn, bố trí khoảng cách ngồi giữa 2 người bảo đảm 2m, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại khu vực bếp và nơi phục vụ ăn uống… Đến thời điểm này, những giải pháp trên ít nhiều đã phát huy hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 vẫn khó lường, nhất là đã xuất hiện nhiều ca lây lan trong cộng đồng, do vậy công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao do thường tập trung đông người là không thể lơ là. Bởi lẽ, chỉ xuất hiện một ca nhiễm từ nơi này sẽ để lại những hậu quả nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động mà còn làm gián đoạn, thậm chí tê liệt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người lao động, lãnh đạo các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng bữa ăn, đồng thời chú trọng hơn nữa công tác phòng, chống dịch tại các bếp ăn tập thể nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây nhiễm. Để thực hiện tốt điều này, ngoài việc thường xuyên cải thiện dinh dưỡng mỗi suất ăn, các doanh nghiệp nên duy trì kiểm soát điều kiện cơ sở vật chất tại bếp ăn, bảo đảm các yêu cầu, quy định an toàn vệ sinh về trang thiết bị, dụng cụ chế biến; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 cho toàn thể người lao động. Công việc này nhằm phục vụ ngay yêu cầu phòng, chống dịch trước mắt; song về lâu dài, những việc này cần được các doanh nghiệp nghiên cứu, xem xét để bảo đảm rằng, bếp ăn luôn là môi trường an toàn cho người lao động trong mọi thời điểm. 

Cùng với đó, các tổ chức công đoàn cần chung tay với doanh nghiệp trong việc giám sát chất lượng bữa ăn cũng như việc thực hiện quy định phòng dịch Covid-19 tại bếp ăn tập thể của mỗi nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp. Với các trường hợp vi phạm như không đeo khẩu trang, tập trung đông người không giữ khoảng cách như quy định… sẽ được nhắc nhở, xử lý theo quy định.

Về phía người lao động phải tự giác chấp hành nghiêm quy định, yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 khi làm việc tại đây. Trong đó, cần hình thành thói quen rửa tay sát khuẩn 6 bước trước khi vào nhà ăn, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi xếp hàng nhận đồ ăn, hạn chế nói chuyện khi ăn… để tránh lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân và đồng nghiệp cũng như cộng đồng.  

Người lao động được coi là “vốn quý” của doanh nghiệp. Vì thế, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe cho người lao động trước dịch Covid-19 không chỉ bằng việc nâng cao chất lượng bữa ăn mà còn cả trong ý thức tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch tại các bếp ăn tập thể của khu công nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ "vốn quý" của doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.