(HNM) - Thời gian qua, việc thực thi các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn ra phức tạp, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế số. Do đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thực thi luật và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
Những chiêu trò lừa đảo
Bà Nguyễn Thị Hằng (trú tại số 28 ngõ Hòa Bình 1, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, mới đây bà nhận được cuộc gọi thông báo bà đã trúng một bộ quà tặng trị giá gần 18 triệu đồng (gồm cặp đồng hồ mạ vàng, 1 thẻ mua sắm trị giá 7 triệu đồng...) theo chương trình khuyến mãi đặc biệt nhằm tri ân khách hàng. Để được nhận quà bà Hằng phải đóng thuế 10% theo quy định với số tiền gần 1,8 triệu đồng…”. Tuy nhiên, chỉ đến khi sử dụng thẻ để mua sắm tại các siêu thị điện máy thì bà Hằng mới “té ngửa” mình bị lừa.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hằng là một trong số nhiều người tiêu dùng từng bị rơi vào tình cảnh tương tự. Theo Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân, tại Việt Nam, trong thời kỳ kinh tế số với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin, không khó để một doanh nghiệp mua được danh sách khách hàng với thông tin chi tiết từ số điện thoại, email, nơi ở, thông tin cá nhân... Các doanh nghiệp sử dụng những thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email với những mục đích khác nhau, và đã xuất hiện nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo người tiêu dùng.
Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiếp nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo. Nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ rồi nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ một vài triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thời gian qua đã được chú trọng. Bộ Công Thương đã tham mưu, xây dựng nhiều chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, điển hình như trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 30-CT/TƯ (ngày 22-1-2019) của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng... Đặc biệt, sau gần 9 năm thực thi các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật có hiệu lực từ năm 2011) đã góp phần tạo nền tảng vững chắc để đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thừa nhận quyền của người tiêu dùng đã được bảo vệ tốt hơn, bà Hồ Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối vận hành Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) cho biết: “Tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng lớn như FE CREDIT, công tác bảo mật dữ liệu khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận gây ảnh hưởng đến khách hàng, hoạt động kinh doanh và uy tín thương hiệu thì Trung tâm An ninh của FE CREDIT sẽ tiến hành rà soát nội bộ; phối hợp với cơ quan chức năng thu thập thông tin, điều tra xác minh các đối tượng có hành vi gian lận, lừa đảo, vi phạm pháp luật”.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng sau gần 9 năm thi hành đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập trong các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, toàn bộ các quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh truyền thống, mà chưa tính đến một số phương thức mới, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong khi đó, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được luật quy định rõ ràng, hoặc chưa bổ sung đầy đủ. Hoạt động tuyên truyền còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được bộ tài liệu thống nhất về thực thi công tác phổ biến. Giáo dục pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn dàn trải, chưa sát với nhu cầu. Đối tượng phổ biến mới chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, chưa lan tỏa tới các vùng sâu, vùng xa...
Số liệu thống kê tại Bộ Công Thương cũng cho thấy, số vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng được giải quyết khoảng 1.000-1.500 vụ việc/năm. Con số này rất nhỏ so với thực tế giao dịch tiêu dùng tại Việt Nam.
Đưa ra ý kiến của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu điện tử Hùng Cường (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, việc rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là rất cần thiết nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay.
Để giải quyết các vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thống nhất mô hình tại các Sở Công Thương và Hội Bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường cơ chế phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm,… Cùng với đó, từng bước xây dựng nền tảng, tạo cơ sở để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.