(HNM) - Ngày 17-7, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, UBND tỉnh Kiên Giang cùng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo
Sản xuất nước mắm tại Phú Quốc. |
Nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) ở Việt Nam năm 2001 và được bảo hộ CDĐL ở Liên minh Châu Âu (EU) vào tháng 10-2012. Đây là sản phẩm đầu tiên được bảo hộ trong nước về CDĐL và là CDĐL đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại EU, đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia ngoài Châu Âu có sản phẩm được bảo hộ CDĐL tại thị trường này.
Theo ông Lương Thanh Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Kiên Giang, có 70 doanh nghiệp được cấp chứng nhận sử dụng logo CDĐL nước mắm Phú Quốc và hiện chỉ mới có 30 doanh nghiệp in ấn logo này trên sản phẩm để đưa ra thị trường. Ông Đào Đức Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, chuyên gia dự án EU - MUTRAP cho biết, sản phẩm địa lý Phú Quốc được bảo hộ phải đáp ứng được các điều kiện: Chỉ tiêu chất lượng đặc thù; được kiểm soát theo quy định trong quá trình sản xuất là có khả năng truy xuất nguồn gốc; sản phẩm phải được dán tem CDĐL.
Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc cho biết, với chứng nhận bảo hộ này, sản phẩm nước mắm Phú Quốc sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Chẳng hạn trước đây chỉ có 2 đơn vị của Hội là Thanh Hà và Hưng Thành xuất khẩu nước mắm sang Châu Âu, sau khi được bảo hộ CDĐL thì tiếp tục có hai doanh nghiệp là Hưng Thạnh và Khải Hoàn tham gia thị trường xuất khẩu. Hiện lượng xuất khẩu chiếm khoảng 11 - 12% tổng sản lượng nước mắm sản xuất trên địa bàn (khoảng 20 - 25 triệu lít/năm), trong đó xuất khẩu sang EU chiếm khoảng 1/2.
Dù việc bảo hộ CDĐL sẽ mang lại quyền lợi thương hiệu cho nước mắm Phú Quốc, tuy nhiên một số doanh nghiệp cũng lo lắng việc thực hiện bảo hộ CDĐL sẽ hạn chế quyền kinh doanh vì từ trước đến nay họ đã xuất khẩu rất nhiều nước mắm mang thương hiệu Phú Quốc. Theo ông Lương Thanh Hải, các doanh nghiệp nếu không được bảo hộ CDĐL vẫn sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu bình thường với thương hiệu của mình và có thể ghi trên bao bì là "sản xuất, đóng chai tại Phú Quốc", tuy nhiên không được phép dán nhãn là "nước mắm Phú Quốc". Doanh nghiệp khi đóng chai tại Phú Quốc hoặc liên kết với doanh nghiệp có nhà máy sản xuất, đóng chai tại Phú Quốc đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí trong CDĐL thì có thể nộp đơn đề nghị cấp CDĐL.
Dù đã 15 năm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ CDĐL ở Việt Nam và 2 năm được bảo hộ tại EU nhưng rất ít người biết được về bảo hộ CDĐL này và việc xâm phạm bảo hộ CDĐL xảy ra tràn lan. Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm nước mắm mang nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc, khiến người tiêu dùng không biết đâu là thật. Vì vậy, để bảo vệ cho thương hiệu "nước mắm Phú Quốc", UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định tăng cường truyền thông và kiểm tra kiểm soát việc sử dụng CDĐL của sản phẩm này. Theo đó, trước ngày 30-7 tất cả các sản phẩm CDĐL đưa ra thị trường phải sử dụng nhãn mác mới về CDĐL. Từ ngày 1-8 các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang sẽ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh và hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh và từ ngày 15-8 bắt đầu phối hợp với Sở KH&CN, Sở Công thương các tỉnh để phối hợp hỗ trợ trong việc kiểm tra kiểm soát, bảo vệ CDĐL của nước mắm Phú Quốc. Theo ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, mức xử phạt các hành vi xâm phạm bảo hộ CDĐL có thể lên đến 500 triệu đồng, trong trường hợp nghiêm trọng có thể truy tố hình sự.
Theo ông Đào Đức Huấn, việc bảo hộ một sản phẩm CDĐL không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là sự tham gia của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để nhận biết sản phẩm được bảo hộ CDĐL thì doanh nghiệp và các tổ chức liên quan phải tích cực quảng bá cho người tiêu dùng nhận diện. Dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết là xem nhãn hàng hóa theo các tiêu chí được quy định và tem CDĐL gắn trên nắp chai theo mẫu thống nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.