(HNM) - Muốn Đảng mạnh, phải có tổ chức đảng mạnh; muốn có tổ chức đảng mạnh vừa phải nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, vừa phải sàng lọc, đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đây là việc làm tất yếu, thường xuyên nhằm ngăn chặn những phần tử cơ hội, phẩm chất kém lọt vào tổ chức đảng; loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất; bảo vệ, tăng cường sức sống của Đảng.
Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội, các đảng bộ trực thuộc và chi bộ, đảng bộ cơ sở của thành phố đã rất chú trọng đến công tác sàng lọc đảng viên qua việc thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Trong đó, từ năm 2019 đến nay, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xóa tên hơn 500 đảng viên với các lý do khác nhau. Điều đó có tác dụng răn đe và giáo dục rất tích cực.
Phát huy những kết quả đã đạt được, cùng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được làm nghiêm túc hơn, thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 28-CT/TƯ, Hướng dẫn số 02-HD/BTCTƯ ngày 12-4-2021 của Ban Tổ chức Trung ương về “Tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Đặc biệt, tại Hà Nội, cấp ủy các cấp cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; Đề án “Rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng trong Đảng bộ thành phố” khi được Thành ủy Hà Nội thông qua.
Song song đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, phải coi trọng đúng mức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng; từng bước khắc phục tình trạng hình thức, đơn điệu, nể nang, ngại va chạm... trong sinh hoạt Đảng.
Đặc biệt, việc rà soát, phát hiện, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng phải được thực hiện trên nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, minh bạch. Cấp ủy phải lấy phát hiện, kịp thời giáo dục, giúp đỡ đảng viên là chính; kiên quyết đưa đảng viên có vi phạm đã được giáo dục, giúp đỡ nhưng không tiến bộ ra khỏi Đảng. Tuyệt đối không được thành kiến hoặc lợi dụng để trù dập đảng viên vì động cơ cá nhân.
Cùng với việc rà soát, sàng lọc đảng viên, trong quá trình xem xét, kết nạp đảng viên mới, phải lựa chọn những quần chúng thực sự ưu tú, giác ngộ về Đảng. Việc thẩm tra lý lịch của người xin vào Đảng, xét kết nạp Đảng và xét chuyển Đảng chính thức phải chặt chẽ, nghiêm túc và bảo đảm đầy đủ, đúng quy trình, thủ tục. Các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên; xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong trường hợp kết nạp đảng viên mới và chuyển Đảng chính thức với những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, cũng như để đảng viên vi phạm phải kỷ luật.
Làm tốt nhiệm vụ rà soát, sàng lọc đảng viên không chỉ khắc phục tình trạng “đông nhưng không mạnh”, mà còn phòng ngừa tình trạng đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm kỷ luật... để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.