Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Người Tiêu Dùng| 17/12/2011 07:48

(HNM) - Đầu tháng 12-2011, một sự kiện gây xôn xao dư luận là việc tòa nhà chung cư cao cấp Keangnam ngừng cung cấp dịch vụ, khiến gần 800 hộ dân cư trú tại đây phẫn nộ, quyết liệt phản đối. Nguyên nhân do mức phí dịch vụ mà Keangnam đưa ra quá cao, gấp 4,5 lần mức quy định của thành phố.


Sự việc đến nay vẫn nhùng nhằng dù các cơ quan chức năng thành phố đã phải họp nhiều buổi và đi đến kết luận: Keangnam là tòa nhà nằm trên lãnh thổ Việt Nam nên mọi hoạt động phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Dù quản lý theo phương pháp nào, Keangnam cũng không được áp dụng mức phí dịch vụ vượt quá quy định của UBND thành phố Hà Nội và cắt dịch vụ, gây ảnh hưởng đến đời sống cư dân... nhưng sự việc trên cho thấy, việc quản lý, vận hành các chung cư trên địa bàn thành phố còn nhiều vấn đề chưa sát thực tế.

Cần phải khẳng định rằng, nhà ở (bất kể loại nhà gì) là một loại hàng hóa đặc biệt và người mua (khách hàng) là người tiêu dùng. Việc tự ý cắt dịch vụ là vi phạm Luật Bảo vệ người tiêu dùng, xâm phạm quyền được bảo vệ của người tiêu dùng. Thành phố đã có quy định về mức phí dịch vụ nhà chung cư áp dụng thống nhất trên địa bàn, Keangnam không thể là ngoại lệ. Mức phí 4.000 đồng/m2 của thành phố đưa ra chưa bao gồm các dịch vụ internet, bể bơi, cáp truyền hình, tennis… nên nếu có những dịch vụ này, chủ đầu tư tòa nhà cần phải thỏa thuận trước với người dân. Trường hợp của Keangnam là đã thực hiện mức phí ấn định từ trước khi có quy định thì phải có báo cáo thành phố và trao đổi lại với người dân. Trong thời gian chưa tìm được sự đồng thuận giữa hai bên, Keangnam vẫn phải thu đúng mức phí do UBND TP Hà Nội quy định và không được tự ý cắt dịch vụ trong tòa nhà.

Có một thực tế là, một tòa nhà chung cư cao cấp do nước ngoài xây dựng và quản lý thường bao gồm đầy đủ các dịch vụ, tiện nghi mà loại nhà chung cư thành phố quy định mức phí dịch vụ không có. Do vậy, sẽ rất khó cho chủ đầu tư nếu thực hiện thu phí theo mức quy định chung vì như thế sẽ "thu không đủ chi", còn thu theo tính toán, quy định riêng thì lại là quá cao đối với đại bộ phận người dân. Phải chăng là khi xây dựng quy định về mức phí dịch vụ nhà chung cư áp dụng thống nhất trên địa bàn, cơ quan chức năng chưa tính đến điều này, dẫn đến quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng?

Quy định sao cho hài hòa, thỏa đáng việc này là việc phải xem xét, tính toán kỹ song cần được thành phố quan tâm, sớm có quyết định chính thức, rõ ràng bởi thực tế trên tới đây chắc chắn sẽ lặp lại ở một số dự án đô thị hiện đại có yếu tố nước ngoài đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.