(HNMO) - Sáng 24-8, tại Hà Nội, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Hội nghị tập huấn bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng dành cho phóng viên, biên tập viên thực hiện nhiệm vụ truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi, đây là hoạt động quan trọng nhằm cung cấp, cập nhật thông tin, kiến thức, kỹ năng, quy định của luật trong truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Thống kê của Cục Báo chí cho thấy, từ đầu năm đến nay, đã có 145.130 tin, bài liên quan đến trẻ em, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả, khẳng định sự đồng hành của các cơ quan truyền thông trong việc hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trao đổi với báo giới, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga đã cung cấp nhiều nội dung cập nhật hữu ích về hiện trạng vấn đề trẻ em tham gia môi trường mạng, cũng như một số quy định của pháp luật, chính sách liên quan lĩnh vực này.
Phó Cục trưởng Cục Trẻ em đặc biệt lưu ý các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, đơn cử như Điều 33 Nghị định 56/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em nêu rõ: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân, số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em…
Bàn về xu hướng công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Đinh Thị Như Hoa cho biết: Có nhiều công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bao gồm công cụ sẵn có trên Windows, iOs, Android hoặc trên các trình duyệt; công cụ hỗ trợ gồm ứng dụng bảo vệ hỗ trợ và thiết bị mạng bảo vệ giám sát (wifi, gói cước viễn thông); các ứng dụng hỗ trợ phản ánh, kiểm tra, bao gồm Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với hotline là 0963563571…
Bà Đinh Thị Như Hoa nhấn mạnh một số giải pháp, trong đó có việc cung cấp thông tin cho các đầu mối báo cáo khi phát hiện nội dung độc hại, hành vi xâm hại trẻ em; thường xuyên cập nhật các công nghệ, công cụ mới hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.