Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ dữ liệu cá nhân - vấn đề cấp thiết

Hà Phong - Lý Thị Mai| 04/07/2021 07:18

(HNM) - Trong thời kỳ chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, bảo đảm thông tin cá nhân là vấn đề cấp thiết và được nhiều người quan tâm. Thực tế đang đòi hỏi, cần có thêm những quy định chặt chẽ để bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là trên môi trường mạng.

Hiện trên thế giới đã có hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư. Ở nước ta, số lượng người dùng internet tương đương với 66% dân số, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở thành một kho lưu trữ khổng lồ. Tuy nhiên, mới chỉ có 17 luật và nghị định điều chỉnh vấn đề bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân, chỉ dừng ở mức nguyên tắc, đặt yêu cầu mà chưa có định nghĩa, quy định cụ thể và cơ chế thực thi hiệu quả. Trong khi đó, nhiều người chưa ý thức và chưa lường trước được hậu quả nghiêm trọng của việc lộ dữ liệu cá nhân.

Qua rà soát, Bộ Công an đã phát hiện rất nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, gồm: Các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, nhân viên môi giới bất động sản, nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước... Thời gian qua cũng đã xuất hiện các công ty cung cấp dịch vụ bán cho khách hàng phần mềm thu thập thông tin cá nhân trái phép, được cài ẩn trong các trang mạng bán hàng; hoặc các đối tượng tội phạm sử dụng mã độc, phần mềm có tính năng gián điệp để thu thập dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng máy tính và điện thoại di động.

Gần đây nhất, cộng đồng mạng xôn xao về thông tin một thành viên diễn đàn Raid... - chuyên mua bán dữ liệu của hacker - rao bán thông tin xác định danh tính người dùng như họ tên, ngày sinh, địa chỉ, email, điện thoại, số chứng minh nhân dân... kèm theo hình ảnh chân dung, hình chụp mặt trước và sau giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân của gần 10.000 người dân Việt Nam. Giá bán của gói dữ liệu này được rao bán lúc đầu ở mức 9.000 USD (khoảng 207 triệu đồng), sau đó hạ xuống còn 4.300 USD (khoảng 99 triệu đồng). Người bán cũng cho biết chỉ nhận thanh toán bằng hai hình thức là tiền điện tử Bitcoin (0,2 BTC) hay Litecoin (2,8 LTC) hoặc qua người trung gian.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết đang xem xét và yêu cầu các đơn vị chức năng vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc trên. “Chưa biết hacker lấy những thông tin trên từ nguồn nào và đưa lên mạng rao bán còn mục đích gì khác hay không. Hiện đang còn rất nhiều vấn đề trong vụ việc này đang cần làm rõ. Các nhà cung cấp dịch vụ cần có biện pháp để quản lý thông tin riêng của khách hàng và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tùy theo từng mức độ cần thiết”, Trung tướng Tô Ân Xô nói.

Trong bối cảnh chưa biết các thông tin này bị lộ ra từ nguồn nào vì có nhiều cơ quan có thể có các thông tin này như ngân hàng, hàng không, quản lý đất đai, thậm chí là bưu điện, cửa hàng bán điện thoại. Luật gia Lê Quang Vững khẳng định, đã đến lúc cần bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ đối với dữ liệu cá nhân trong Bộ luật Hình sự. Một số hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân có thể xem xét hình sự hóa như: Hành vi thu thập, sử dụng, khai thác, chuyển nhượng trái phép dữ liệu cá nhân.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Chu Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, các nhà làm luật cần thay đổi cách tiếp cận, từ chỗ coi quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền nhân thân thuần túy, chuyển sang tư duy nhận thức mới, khai thác giá trị kinh tế từ dữ liệu cá nhân. Theo đó, quyền đối với dữ liệu cá nhân sẽ có bóng dáng của quyền đối với một loại tài sản mới - tài sản phi truyền thống. Đây cũng là thời điểm thích hợp để chúng ta tính tới việc nghiên cứu và đề xuất xây dựng dự Luật Bảo vệ cá nhân bởi thực tế, bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam được quy định tản mát ở nhiều văn bản thuộc các lĩnh vực khác nhau và với các cấp độ khác nhau (luật, nghị định, thông tư liên tịch, thông tư, thậm chí là quyết định của bộ trưởng) dẫn đến tình trạng còn một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp với thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ dữ liệu cá nhân - vấn đề cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.