Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ di tích là giữ gìn hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến

Minh Ngọc| 15/07/2013 05:57

(HNM) - Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nhất cả nước. Hệ thống di tích của Thủ đô góp phần làm cho bức tranh di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội thêm phong phú, là tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ, nhưng đồng thời đặt ra bài toán trách nhiệm nặng nề trong việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Hà Nội đã, đang và sẽ làm gì để khối di sản quý giá này phát huy giá trị ngày một tốt hơn?


Cuộc trao đổi của ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội với Báo Hànộimới góp phần trả lời câu hỏi này.

- Thưa ông, với việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, có thể hình dung khối tài sản - di sản đã ở mức nào?

- Hà Nội và Hà Tây hợp nhất, đồng nghĩa với chiều sâu văn hóa của hai địa phương hội tụ, lan tỏa, thẩm thấu, kết tinh, song vẫn đòi hỏi phải giữ được bản sắc riêng của từng vùng. Di tích không phải là ngoại lệ.

Hà Nội cũ có 1.952 di tích, Hà Tây có 3.053 di tích, huyện Mê Linh và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có 170 di tích, gộp lại Hà Nội mở rộng có 5.175 di tích, nhiều nhất cả nước. Số di tích đã xếp hạng chiếm tới 42,65% (2.209 di tích), trong đó có 2 di sản văn hóa thế giới - gồm Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá tiến sĩ triều Lê - Mạc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; 3 di tích quốc gia đặc biệt và rất nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu khác. Khối di sản văn hóa đồ sộ này góp phần tạo ra hình ảnh Thủ đô cổ kính, thân thiện, hấp dẫn du khách. Bằng chứng là nhiều trang web du lịch uy tín liên tục bình chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những di tích văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Bảo Kha


- Khối tài sản văn hóa rất lớn, nhưng, thưa ông, sau “sự cố” di tích chùa Trăm Gian, chùa Một Cột và việc xảy ra ở Làng cổ Đường Lâm, có ý kiến cho rằng Hà Nội quản lý di tích chưa tốt. Ông nghĩ sao về điều này?

- Việc xuất hiện “điểm nóng” như trên có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý, trước hết là cơ quan quản lý văn hóa các cấp, các đơn vị quản lý trực tiếp di tích. Thế nhưng, như trên tôi đã nói, Hà Nội có rất nhiều di tích giá trị, hầu hết được xây dựng từ lâu, nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng. Theo thống kê, số di tích xuống cấp lên tới gần 600. Tính trung bình mỗi di tích tu bổ, tôn tạo hết 10 tỷ đồng thì ngay lúc này, Hà Nội cần có 6.000 tỷ đồng. Ngân sách không thể gánh hết, rất cần sự chia sẻ của các tổ chức, cá nhân.

Tuy thế, tôi không nghĩ Hà Nội đã buông lỏng quản lý. Thống kê từ năm 2010 đến nay cho thấy, trung bình mỗi năm Hà Nội đầu tư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng để tu bổ, chống xuống cấp di tích, trong đó nguồn kinh phí xã hội hóa chiếm hơn 30%. Con số này, một mặt khẳng định TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, mặt khác chứng tỏ người dân coi trọng giá trị của di tích, tin tưởng vào công tác quản lý của các cơ quan chức năng nên mới đóng góp với số tiền lớn như vậy. Nhìn chung, hệ thống di tích đang được bảo tồn, phát huy giá trị tương đối tốt. Hà Nội xác định bảo vệ di tích cũng là giữ gìn hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến.

- Ông có thể cho biết rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý trực tiếp di tích?

- Hầu hết di tích trên địa bàn được giao cho UBND các quận, huyện, thị xã hoặc các xã, phường, thị trấn quản lý, nên khi xảy ra sự việc gì liên quan đến di tích thì các cơ quan này phải nắm được và có trách nhiệm xử lý. Ví dụ như việc ở chùa Diên Hựu - Một Cột, nếu UBND quận Ba Đình kịp thời giải quyết chống dột hoặc báo cáo thực trạng để Sở VH,TT&DL phối hợp xử lý kịp thời thì làm gì có chuyện tượng đội nón, mặc áo mưa.

Vấn đề ở Đường Lâm âm ỉ lâu rồi, đáng ra thị xã Sơn Tây phải quan tâm, giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của di sản mà họ đang nắm giữ, không nên để xảy ra phản ứng dây chuyền rồi mới cuống quýt báo cáo. Quy hoạch giãn dân Làng cổ Đường Lâm là việc lớn, mang tính lâu dài, phương pháp quản lý thông qua công việc hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với dân quan trọng hơn. Nói cách khác, những người trực tiếp quản lý, khai thác di tích nên có thái độ ứng xử với di tích mềm dẻo, linh hoạt hơn.

- Như ông vừa nói thì Hà Nội đã phân cấp quản lý di tích rất rõ ràng? Hệ thống văn bản quản lý có sự điều chỉnh gì sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, thưa ông?

- Trước khi điều chỉnh địa giới, các văn bản quản lý nhà nước về di tích ở hai địa phương có sự khác nhau. Sau 5 năm, các văn bản này đã được thống nhất. Điển hình là Quyết định số 11, ngày 2-3-2011 của UBND thành phố quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2011-2015, trong đó có phân cấp quản lý di tích. Theo quyết định này, 12 di tích tiêu biểu thuộc sự quản lý của thành phố gồm Thành cổ Hà Nội, Khu di tích Cổ Loa (đại diện là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội); Khu tưởng niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc, Nhà lưu niệm Nhà tù Hỏa Lò, Nhà lưu niệm 48 Hàng Ngang, Nhà lưu niệm 5D Hàm Long, Đền Bà Kiệu, Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm, Di tích đền Ngọc Sơn và Khu tượng đài Vua Lê, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Chùa Láng, Bích Câu đạo quán (đại diện là một số cơ quan thuộc Sở VH,TT&DL quản lý). Các di tích đã xếp hạng còn lại do UBND quận, huyện, thị xã quản lý hoặc giao cho chủ tịch UBND xã, phường làm đại diện Ban quản lý. Di tích chưa được xếp hạng thì ủy quyền cho xã, phường thành lập Ban quản lý. Hà Nội không giao cho tư nhân quản lý di tích. Tôi cho rằng sự phân cấp quản lý di tích ở Hà Nội là tương đối phù hợp.

- Về công tác quản lý, xin ông cho biết ngành văn hóa sẽ làm gì để di tích phát huy hiệu quả toàn diện?

- Sở VH,TT&DL sẽ tham mưu, đề xuất UBND thành phố ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; ban hành quy chế quản lý, tu bổ và phát huy giá trị di tích. Quy chế này sẽ cụ thể hóa các nội dung của Luật Di sản, thông tư, nghị định về công tác quản lý, phát huy giá trị di sản cho phù hợp với đặc điểm của Hà Nội. Quy chế về quản lý, tiếp nhận đồ thờ tự tại di tích cũng đang được nghiên cứu để xây dựng.

Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành tổng kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố để có những đánh giá tổng thể. Sau đó, sẽ phân loại di tích, rồi cắm mốc giới, định vị lại. Sở cũng đang lập quy hoạch khảo cổ Hà Nội nhằm hạn chế tình trạng khai quật “chữa cháy”.

Nhân đây tôi xin báo tin vui: 5 di tích có giá trị đặc biệt của Hà Nội là đền Ngọc Sơn và không gian hồ Hoàn Kiếm, đền Phù Đổng (Gia Lâm), đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn (Phúc Thọ), đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Mê Linh (Mê Linh), đình Tây Đằng (Ba Vì) đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia cấp đặc biệt vào năm 2014.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ di tích là giữ gìn hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.