Nghệ nhân không thể đào tạo trong một sớm một chiều, không gian trình diễn và thưởng thức giờ đã khác xưa, và đặc biệt, công chúng hầu như không còn nữa. Đó là những thách thức đối với công tác bảo tồn ca trù hiện nay.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Kiu (phải) hiện là người cuối cùng hát điệu Xích Bích
Chưa có lớp nghệ sĩ được truyền nghề Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, sau chuyến điền dã tới 15 tỉnh thành còn nghệ thuật ca trù trong cả nước, khẳng định rằng hiện còn 18 nghệ nhân ca trù vào độ tuổi 80. Họ như phần “gốc” còn lại của ca trù, nghĩa là họ thuộc lớp nghệ nhân cuối cùng của một thứ ca trù “nguyên bản”. Các cụ Nguyễn Phú Đẹ (84 tuổi, Hải Dương), Nguyễn Thị Kim (80 tuổi, Thanh Hóa), Nguyễn Thị Chúc (75 tuổi, Hà Tây), Đỗ Thị Dị (94 tuổi, Vĩnh Phúc)… đều là những người “nắm giữ” những làn điệu cổ mà giờ đây hầu như không còn ai hát được, hoặc những kỹ thuật hát mà đến nay chưa ai học được. Vì một thời gian dài không được chú trọng, chúng ta đã để thất truyền nhiều di sản quý giá của ca trù. Nghệ sĩ Phạm Thị Mùi (Lỗ Khê, Hà Nội) lừng lẫy một thời về lối hát cửa đình, từ thuở 15, 16 tuổi đã được truyền tụng “hát xô mái ngói cửa đình” đã về với tiên tổ, không truyền được vốn liếng vô tận của mình. Giọng hát có một không hai và những kỹ thuật luyến láy, nhả chữ điêu luyện của NSND Quách Thị Hồ cũng không truyền lại được cho ai. Nhiều điệu múa ca trù cũng đã lần lượt bị mất đi theo các nghệ nhân, như múa Tứ linh, múa Bỏ bộ, múa Bài bông. Múa hát Bài bông hiện chỉ còn trong trí nhớ một vài người như NSƯT Phó Thị Kim Đức, nghệ nhân Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Thị Diện. Trong Đêm ca trù toàn quốc 2006, điệu múa Bài bông đã được khôi phục, nhưng chỉ là do nghệ sĩ Trần Minh dàn dựng lại theo trí nhớ của nghệ nhân, khiến nhiều người băn khoăn về tính nguyên gốc của nó. Múa hát Bỏ bộ hiện chỉ còn ở Lỗ Khê, nhưng gần như không có người kế tục. Ông Loan cho biết, cụ bà Nguyễn Thị Kiu (Nghệ An) hiện là người cuối cùng hát được điệu Xích Bích, nhưng hiện giờ cụ cũng đã ngoài 80 tuổi, mà đào nương trẻ thì hầu như chưa ai học được điệu phú cổ khó hát này. Bà Nguyễn Thị Lệ (90 tuổi, Bắc Ninh) than thở: “Làng tôi thuở trước có vài chục kép đàn, hàng trăm đào hát, nay chỉ còn lại hai chị em tôi. Thế là thất truyền. Tôi cũng quên hết, bỏ gần 60 năm nay, thỉnh thoảng nhớ câu nào thì cũng chỉ để ru cháu mà thôi”. Tuy nhìn vào con số 18 nghệ nhân, so với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như hát xẩm, nhã nhạc… thì có lẽ đáng lạc quan. Nhưng theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, 18 nghệ nhân cho gần từng ấy giáo phường, câu lạc bộ là quá ít. Không ai khác, chính lớp nghệ nhân này phải là những người trực tiếp truyền nghề cho hậu thế. Thế nhưng, họ đều đã ở tuổi “gần đất xa trời”, mà lớp con cháu hiện giờ thì hầu như chưa có ai chịu theo học ròng rã hàng năm trời để đạt tới kỹ thuật của các cụ. Kể cả Thuý Hoà, nghệ nhân trẻ thuộc CLB Ca trù Thái Hà, người được trực tiếp học từ NSND Quách Thị Hồ, đầy đam mê và nhiệt huyết, nhưng vẫn chưa thể đạt tới những thăng hoa và chuẩn mực của người xưa. Với tư cách là một ca nương, nghệ sĩ Bạch Vân cho biết, để trở thành một đào nương ca trù đúng nghĩa phải có được nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu thẩm âm, gõ phách, tri thức âm nhạc và văn thơ, lòng đam mê và kiên trì… Không những thế, đào nương còn phải được các thầy giỏi, có kinh nghiệm và tâm huyết đào tạo bài bản, lâu dài bằng phương thức truyền khẩu. Vậy nên, không thể làm đào nương ca trù chỉ trong một thời gian ngắn, cũng không thể chỉ thuộc một vài điệu hát, một vài kỹ thuật cơ bản mà đã được gọi là đào nương. Những người thực sự am hiểu và tâm huyết với ca trù đều cho rằng, họ chưa nhìn thấy ai trong lớp nghệ nhân trẻ, những người được truyền nghề, có một lối biểu diễn đúng chuẩn mực của kỹ thuật hát ca trù. Cho nên, có thể nói rằng, tất cả những gì còn lại của ca trù mà chúng ta đang cố công gìn giữ, đều ở cả trong tay của 18 nghệ nhân già nua mỏng mảnh kia. Nếu không tạo điều kiện để họ nhanh chóng và bài bản truyền nghề cho hậu thế thì nguy cơ thất truyền của ca trù là rất cao. Năm 2002 đến nay, Cục nghệ thuật biểu diễn mở lớp đào tạo cấp tốc diễn viên trẻ ca trù trong hai tháng tại Hà Nội, học trong 40 buổi và từ chỗ chưa biết gì khi trở về địa phương họ sẽ là người biểu diễn đồng thời là thầy giáo. Nhiều người cho rằng, phương pháp đào tạo như thế có nguy cơ làm cho ca trù biến dạng, mặc dù cũng cầm phách gõ, cũng “ứ, hự...” mà vẫn không phải là ca trù. Đến giữa năm 2005, các CLB cũng mới đào tạo được năm học trò trẻ là niềm hy vọng cho những đào kép tương lai. Con số này là quá ít ỏi đối với một loại hình nghệ thuật đang được lập hồ sơ di sản văn hoá trình UNESCO. Nỗi lo công chúng Công chúng của ca trù, theo nhạc sĩ Tô Vũ, người “trót” đam mê ca trù từ khi còn là một cậu bé đi theo bố, phải là những người đặc biệt. Họ không chỉ nghe ca trù bằng khả năng thẩm âm, mà còn phải là người am hiểu thơ ca. Người ta thường nói bởi sự kết hợp của thanh nhạc, khí nhạc và văn chương trong ca trù mà ai “bén” duyên với nó phải có “hồn” nhạc và văn. Hiểu được lời trong thơ ca trù thì hát mới thấu đến tận đáy tâm hồn. Am hiểu đến như Nguyễn Tuân với những trang mô tả trong “Chùa Đàn” thì chỉ có một. Bây giờ, người nghe ca trù vẫn còn, nhưng nghe mà hiểu hết vẻ đẹp của ca trù, thấu được hết tâm can người nghệ sĩ thì có lẽ chẳng còn được mấy người. Nghệ nhân Phạm Thị Mùi lúc sinh thời được vận động nhớ lại các điệu hát cổ như Thiên thai chênh, Tỳ bà, cung bắc, múa hát Bỏ bộ... đã nhiều lần than thở “bây giờ có ai biết nghe, hát làm gì, chỉ hát nói là đủ rồi”. Nhạc sĩ Tô Vũ cho rằng, đối với ca trù, không những nghệ nhân phải học hát, học cầm chầu, gõ phách, mà người nghe cũng phải học thưởng thức. Còn theo cụ Nguyễn Nghĩa Nguyên (Nghệ An), thì công chúng nghe hát ca trù cũng cần phải được “bồi dưỡng” những kiến thức tối thiểu. Cụ thừa nhận rằng, mặc dù bắt đầu từ năm 1998, các giáo phường ca trù ở địa phương đã hoạt động trở lại, nhưng để phát triển công chúng cho ca trù là hết sức khó khăn, không chỉ ở các tỉnh mà nói chung trong toàn quốc. Nghệ thuật ca trù cũng gắn với các di tích và không gian văn hoá linh thiêng, nên cùng với sự mai một, xuống cấp của nhiều di tích, cộng thêm sự du nhập của nhiều hoạt động văn hoá mới vào các lễ hội, ca trù cũng hầu như không còn nhiều đất diễn. Chuyến khảo sát vừa qua để chuẩn bị cho việc lập hồ sơ trình UNESCO, các nhà nghiên cứu ở Viện Âm nhạc đã thấy những tín hiệu lạc quan cho ca trù: vốn liếng còn lại của ca trù hóa ra vẫn còn nhiều hơn những gì lâu nay chúng ta vẫn tưởng. Nghĩa là không chỉ có Lỗ Khê, Cổ Đạm, mà ca trù hiện còn rải rác trong 16 tỉnh thành. Có lẽ đó cũng là may mắn đối với ca trù: phát hiện muộn nên hầu như chưa bị biến tướng, chưa bị cải biên như thường gặp ở chèo, nhã nhạc… Tuy nhiên, sau 60 năm nghệ thuật này ngủ yên, việc làm sống dậy vẹn nguyên những di sản quý giá đó lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay ở Hà Nội và một số tỉnh như Thanh Hoá, thành phố Hải Phòng đã có những trung tâm ca trù nhưng chưa tìm lại được bản sắc thực sự của loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh đó, dù đã tồn tại một số CLB như Hà Nội, Lỗ Khê, Thái Hà... nhưng nghệ thuật ca trù vẫn chưa lấy lại được chân giá trị. Liệu ca trù còn có thể tiếp tục là một thành tố không thể thiếu được trong hệ thống các thể loại âm nhạc của Việt Nam hôm nay không? Câu hỏi đề dẫn của GS-TSKH Tô Ngọc Thanh trong hội thảo quốc tế về ca trù mới đây, có lẽ sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để trả lời. Theo TTO & Nhân dân
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.