(HNM) - Hà Nội có tới 1.793 di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT), nhưng chỉ có 14 di sản thuộc loại hình ngữ văn dân gian. Trong đó, tiếng lóng ở làng Đa Chất, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) là di sản điển hình, được các cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia.
Ngôn ngữ đặc biệt
Theo người dân Đa Chất, xưa kia làng Đa Chất nằm giữa vùng chiêm trũng, quanh năm mất mùa, nghèo đói triền miên nên ngoài nghề nông, đàn ông trong làng có thêm nghề đóng cối xay lúa bằng tre. Trong quá trình làm nghề, những người thợ đóng cối đã sáng tạo ra ngôn ngữ riêng để sử dụng khi đi “kiếm cơm thiên hạ”. Ông Nguyễn Ngọc Đoán, thợ cả lành nghề kể: Thợ đóng cối làm việc ở nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, cần phải có cách xã giao tốt. Để có thể vừa tự bảo vệ mình, vừa không mất lòng thiên hạ, lại giữ được nếp làng, những người thợ đóng cối giao tiếp với nhau bằng tiếng lóng. Chẳng hạn, khi thợ chính muốn người thợ giúp việc lấy cho con dao, họ sẽ nói tránh thành “xảo tớp hộ cái xí lừa”; “mày đi chặt tre bổ củi đi” được thay bằng “xảo sởn quần ớt, quất ông lông đi”. Khi thấy người thợ phụ làm sai, thợ cả sẽ nhắc “mày xấn táo rồi, bệt ngáo kìa” (mày làm lỗi rồi, nhà chủ họ trông thấy kia kìa). Đi đường, thấy người móc túi, thợ cối nhắc nhau “xảo bờm” (trộm đấy) để đề phòng…
Ông Nguyễn Ngọc Đoán, người trông coi đình làng Đa Chất, đang lưu giữ những tài liệu về thứ ngôn ngữ lạ của làng. Ảnh: TTXVN |
Tiếng lóng được sử dụng trong nhiều mối quan hệ, đặc biệt là giữa những người thợ cối với nhau. Theo TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam), ngoài giá trị ngôn ngữ, tiếng lóng ở làng Đa Chất còn mang giá trị tinh thần, thể hiện sự sáng tạo của người thợ đóng cối. Đó là sự sáng tạo của tập thể, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Bởi vậy, tiếng lóng ở làng Đa Chất trước hết là một loại hình DSVHPVT, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của một cộng đồng dân cư.
Đưa di sản trở lại cộng đồng
Tiếng lóng Đa Chất được truyền dạy, học hỏi qua các tình huống ứng xử cụ thể của những người thợ đóng cối chứ không phải qua chữ viết. Nghề đóng cối mất đi đồng nghĩa với việc tiếng lóng không còn “môi trường” để tồn tại, phát triển.
Nhận thấy di sản đang mai một, Sở VH-TT Hà Nội đã tiến hành khảo sát hiện trạng, nhận diện giá trị, tư liệu hóa di sản và lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa tiếng lóng làng Đa Chất vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Để di sản được bảo tồn, cơ quan chức năng đã đưa di sản trở lại cộng đồng bằng nhiều hình thức. Hàng trăm từ vựng tiếng lóng, những từ còn thông dụng và bối cảnh sử dụng tiếng lóng đã được tập hợp, phân tích, giải nghĩa rồi in thành tài liệu, phát cho cộng đồng, giúp cộng đồng nhớ lại, bổ sung và từng bước hoàn thiện di sản. Các bộ phim tư liệu, phóng sự ngắn về di sản do những người thợ đóng cối “thủ vai” chính cũng đã được phổ biến, tạo điều kiện cho cộng đồng có cái nhìn toàn diện về di sản.
Khẳng định việc đưa tiếng lóng trở lại với cộng đồng là hướng bảo tồn đúng đắn, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, những người thợ đóng cối nên thành lập câu lạc bộ và tổ chức sinh hoạt, giao lưu thường xuyên. Các cuộc giao lưu là cơ hội để những người nắm giữ vốn di sản giới thiệu, trao truyền di sản cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, Bảo tàng Hà Nội nên có kế hoạch tổ chức hoạt động trưng bày, trình diễn về nghề đóng cối và tiếng lóng ở làng Đa Chất. “Một không gian nhỏ với các thủ pháp trưng bày khác nhau để giới thiệu về nghề đóng cối xay lúa, kỹ năng, kinh nghiệm đóng cối của những người thợ Đa Chất và tiếng lóng kèm theo sẽ là cách bảo tồn di sản tốt nhất. Hoạt động này sẽ góp phần thu hút công chúng đến với bảo tàng, nâng cao ý thức giữ gìn di sản cho các chủ thể văn hóa”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.