(HNM) - Thủ đô Hà Nội đang trong đợt kiểm tra, rà soát về di tích trên địa bàn thành phố để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục, sau 5 năm tiến hành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích. Nhiệm vụ này không chỉ nhằm cập nhật thực trạng, nhận diện giá trị di tích trên địa bàn, mà còn góp phần định hướng các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Đánh giá đúng hiện trạng di tích
Kể từ đợt tổng kiểm kê, đánh giá giá trị các di tích trên địa bàn thành phố vào năm 2016, đến nay, Hà Nội đã đưa gần 6.000 di tích vào danh mục kiểm kê, với 20 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1.164 di tích cấp quốc gia và 1.481 di tích cấp thành phố... Bên cạnh việc ghi nhận về số lượng, công tác đánh giá giá trị di tích cũng cho thấy rõ sự đa dạng từ loại hình đến phương thức phân cấp quản lý. Thực tế này là cơ sở để thành phố xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị, trong đó ưu tiên các di tích có giá trị, di tích bị xuống cấp để phân bổ nguồn lực cho phù hợp.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong 5 năm qua, thành phố đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo, trong đó nguồn vốn xã hội hóa có nhiều khởi sắc, thể hiện sự quan tâm của nhân dân Thủ đô dành cho công tác này, tiêu biểu như các quận, huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm... Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, công tác kiểm kê giúp đánh giá đúng thực trạng di tích trên địa bàn, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ di sản. Điều này đã thể hiện rõ trong mức đầu tư tu bổ do nhân dân đóng góp, ủng hộ là hơn 156 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng mức đầu tư của huyện (329 tỷ đồng).
Không chỉ ở các địa phương có điều kiện về kinh tế, ngay với những nơi còn không ít khó khăn, công tác này cũng được người dân rất quan tâm, như các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, năm 2020, tổng đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích của huyện là 19,2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa đạt gần 18,5 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng còn tồn tại một số hạn chế, vi phạm trong quá trình tiến hành tu bổ, tôn tạo, như các vụ việc tại đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa), chùa Đậu (huyện Thường Tín), chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai)...
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý
Sau khi hoàn thành đợt tổng kiểm kê di tích đầu tiên vào năm 2016, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế “Thủ đô di sản”; đồng thời cũng đối mặt với những thách thức từ công tác bảo vệ và phát huy giá trị. Để làm tốt điều này, UBND thành phố đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn; triển khai nhiều biện pháp, nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích như: Phân cấp quản lý rõ người, rõ trách nhiệm; sau 5 ngày xảy ra vụ việc, không có báo cáo chính thức, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND thành phố; định kỳ hằng năm thực hiện tổng hợp số liệu biến động về di tích; định kỳ 5 năm thực hiện tổng rà soát, trình UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh, cập nhật bổ sung danh mục (nếu có)...
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới luật đã hướng dẫn chi tiết về công tác bảo tồn di tích. Điều cần quan tâm là việc thực thi các quy định này như thế nào tại các địa phương. Cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp giữa các ban, ngành, các cấp quản lý để kịp thời ngăn chặn những vi phạm từ khi manh nha, tránh “sự đã rồi”. Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa tới cơ sở, với nhiều hình thức, dễ hiểu, dễ tiếp cận, góp phần nâng cao nhận thức về giá trị di sản. “Các địa phương cần hiểu rõ thế nào là giữ gìn giá trị gốc để tiến hành tu bổ, tôn tạo hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề về năng lực thi công cũng cần được đầu tư, bồi dưỡng để bảo đảm chất lượng công trình”, ông Nguyễn Trường Giang nói.
Về vấn đề này, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Doãn Văn cho biết, Hà Nội đang thực hiện tổng kiểm tra, rà soát về di tích để cập nhật báo cáo, trình UBND thành phố phê duyệt danh mục di tích sau 5 năm tổng kiểm kê. Với đợt rà soát này, thành phố sẽ có thêm các di tích đủ điều kiện, tiêu chí để bổ sung vào danh mục hoặc đưa ra khỏi danh sách những di tích mới phát sinh việc thiếu tiêu chí. Việc cập nhật lại danh mục di tích còn là cơ sở để thành phố nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các phương án quản lý chặt chẽ, cụ thể hơn, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.