Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn di sản trước tác động biến đổi khí hậu

Minh Ngọc| 12/11/2013 06:14

(HNM) - Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ nét trong những năm gần đây đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có di sản văn hóa và di sản thiên nhiên. Với 12 di sản thế giới đã được UNESCO vinh danh, hơn 4 vạn di tích phân bố ở khắp mọi miền đất nước,

Đe dọa di sản

Di sản văn hóa nói chung, di sản thiên nhiên nói riêng có mối quan hệ mật thiết với tự nhiên, xã hội và cũng rất nhạy cảm trước tác động của hai yếu tố này. Ông Lê Thanh Tuyên, Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (Hải Phòng) cho biết, nhiệt độ trung bình ở Cát Bà trong những năm gần đây tăng 0,4 độ C so với thời kỳ trước năm 1990. Gió bão gây triều cường, sương muối xuất hiện với tần suất dày khiến nhiều cây cối trong khu dự trữ sinh quyển bị héo lá, nhiều cây trồng bị chết, ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan.

Nước lũ tràn vào thành phố Huế. Ảnh: Quốc Việt



Tương tự, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định, do ảnh hưởng của BĐKH, hiện tượng lũ lụt cục bộ thường xuyên xảy ra trong khu vực Kinh thành Huế, gây nguy hại đến cấu trúc thành lũy và làm tăng nguy cơ sụp đổ các công trình kiến trúc, hạ tầng và dân sinh. "Hiện nay, không ít bức tường cổ kính của Kinh thành Huế bị lốc xô nghiêng, chân thành sụt lún. Nhà dường Huế mong manh trước bão lũ, các lăng ven sông Hương ngập bùn đất mỗi khi mưa lớn, bão mạnh đi qua", ông Phan Thanh Hải chia sẻ.

Đáng lo ngại hơn, các nhà khoa học đã phát hiện thấy nhiều loại địa y trắng, có vảy cứng đang phát triển mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới bề mặt trang trí, chạm khắc ở công trình đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam). Hiện tượng này cũng được xác định nguyên nhân do BĐKH. Ngay trung tuần tháng 10 vừa qua, khi cơn bão số 11 đi qua, nước lũ từ sông Hoài tràn vào ngập đường Bạch Đằng, đường Nguyễn Thái Học và nhiều tuyến đường khác khiến thành phố Hội An cổ kính, êm đềm bỗng trở nên tiêu điều đến xót xa.

Hà Nội là một trong những địa phương ít chịu sự ảnh hưởng của BĐKH, điều kiện bảo tồn di tích tốt hơn so với nhiều địa phương khác, nhưng hệ thống di tích ở Hà Nội cũng không thể nằm ngoài sự đe dọa của BĐKH. Khi ứng dụng công nghệ tiên tiến để nghiên cứu về Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, GS Shigeo Aoki, Đại học Cyber (Nhật Bản) chỉ rõ, dưới lòng di tích Hoàng thành còn nhiều hiện vật gỗ. Trong khi đó, lòng đất của di tích có nhiều mạch nước ngầm, nếu không tiến hành bơm nước thường xuyên, di tích sẽ bị ngập nước, các loại vi sinh vật thâm nhập, gây ảnh ưởng không tốt đến di sản. TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho biết, thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn, quan trắc nước ngầm, thiết bị đo độ ẩm tại một số vị trí trong khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu cho kết quả: Di tích đang phải đối mặt với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, tầng đất thường bị sa mạc hóa, tầng sâu bị rêu và nấm mốc, hiện tượng muối hóa phát triển mạnh… Những dẫn chứng trên cho thấy, di sản trước tác động của BĐKH đều có nguy cơ bị biến dạng, mai một, thậm chí bị phá hủy nếu chúng ta không có giải pháp ứng phó kịp thời.

Bộ VH,TT&DL đã chọn chủ đề "Di sản xanh, nơi gặp gỡ của con người và thiên nhiên" trong Tuần văn hóa, du lịch sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) từ ngày 19 đến 23-11, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm 2013.

Nên chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: Trước mùa mưa bão hằng năm, Trung tâm tổ chức tập huấn cách chống bão cho cán bộ, nhân viên làm việc tại các bảo tàng, các di tích; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát lại toàn bộ di sản, nắm tình hình và lên kế hoạch phòng, chống cụ thể cho từng địa điểm. Qua kiểm tra, di tích nào có dấu hiệu dễ sụp đổ, nứt vỡ… sẽ được đề xuất phương án sửa chữa, nhẹ hơn sẽ được mua các trang thiết bị chống đỡ, gia cố. Khi có công điện báo bão, Trung tâm lập tức chuẩn bị công cụ, dụng cụ, huy động mọi nguồn lực để ứng phó. Nhà ở, các nhà thờ tộc, các hội quán, chùa Cầu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, gốm sứ Mậu dịch, chùa Ông… trong khu phố cổ được ưu tiên bảo vệ. "Nhờ sự chủ động ứng phó, thiệt hại do BĐKH gây ra đối với Di sản thế giới Hội An trong những năm gần đây giảm đáng kể. Trong cơn bão số 11 vừa qua, dù hình ảnh thành phố Hội An ngập nước nhưng không có di tích nào bị ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Nguyễn Chí Trung nhấn mạnh.

Để bảo vệ di tích, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa quyết định đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng lắp đặt hệ thống chống sét tại lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị, Cung Diên Thọ (Đại Nội Huế) và Cơ Mật Viện (Tam Tòa, Kinh thành Huế). Tại Hà Nội, nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng cũng được ban quản lý các di tích và nhân dân dùng cột kèo, phông bạt chống đỡ trước tác động của cơn bão số 14 (Haiyan). Đối với Di sản Hoàng thành Thăng Long, GS Shigeo Aoki đã đề xuất nhiều phương án nhằm chủ động ứng phó với BĐKH, như: Không cho nước bên ngoài lọt vào các hiện vật đã khai quật. Trong trường hợp muốn trưng bày hiện vật cho khách tham quan có thể xây nhà lên trên, lắp sàn kính, cách ly hoàn toàn hiện vật với môi trường bên ngoài. Về hiện vật gỗ, TS Yohsei Kozuma, Viện Nghiên cứu quốc gia về tài sản văn hóa Tokyo cho rằng, nếu chưa có biện pháp bảo tồn lâu dài thì các cơ quan chức năng của Việt Nam nên lấp lại những hiện vật đã xuất lộ để những cấu kiện này được bảo tồn trong lòng đất…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn di sản trước tác động biến đổi khí hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.