Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn di sản Hán Nôm: Chạy đua với thời gian

Lâm Vũ| 17/01/2011 07:28

(HNM) - Di sản Hán Nôm là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc. Nó là mối dây liên kết quá khứ và hiện tại, là nguồn tư liệu quý cho thế hệ tương lai hiểu về nền văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, theo thời gian, khối tài liệu này đang đứng trước nguy cơ thất thoát.

Tài liệu tản mát

Hiện nay, tài liệu Hán Nôm nằm ở các kho lưu trữ của Nhà nước như Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Viện Sử học, Viện Văn học, Trường Đại học KHXH&NV và các thư viện, bảo tàng tỉnh, thành phố…, trong đó Viện Nghiên cứu Hán Nôm là trung tâm lưu trữ lớn nhất. Theo số liệu được công bố, Viện đang lưu giữ trên 20.000 đầu sách Hán Nôm (trong đó có tài liệu Nôm của các dân tộc Tày, Nùng, Dao...), hơn 50.000 đơn vị tư liệu bản rập các bài văn khắc trên đá, chuông đồng, khánh đá, biển gỗ về nhiều lĩnh vực như văn chương, sử học, tôn giáo, văn hóa, giáo dục, phong tục, quốc phòng… Tài liệu Hán Nôm cũng còn khá nhiều trong nhân dân, chủ yếu là gia phả, văn tự, hương ước…; ở nước ngoài cũng có nhiều, đặc biệt ở Pháp, Nhật, Mỹ, Anh, Tòa thánh Vatican.

Bản khắc gỗ Hán Nôm ở đền Và, thị xã Sơn Tây. Ảnh: Dương Ngọc Hà

Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, người có nhiều năm sưu tầm thư tịch Hán Nôm, rất nhiều gia đình ở An Giang, Long An, Bến Tre... còn lưu giữ thư tịch quý hiếm, nhưng rất khó tiếp cận vì nhiều người coi thư tịch cổ là bảo vật truyền đời, nên không muốn hiến tặng hay bán. Có gia đình đóng gói thư tịch để đưa lên ban thờ.

Gian nan bảo tồn

Tại các kho lưu trữ trong và ngoài nước, tài liệu Hán Nôm được bảo quản tốt, nhưng trong nhân dân, vấn đề bảo quản rất đáng lo ngại do không có điều kiện phương tiện kỹ thuật tốt. Người dân bảo quản tài sản của cha ông chủ yếu bằng kinh nghiệm, cách làm truyền thống thường là cuộn tài liệu rồi đưa lên gác bếp hoặc cho vào hộp, hằng năm bỏ ra phơi 1-2 lần.

Hiện nay, chỉ có 2 nơi thực hiện công việc số hóa tài liệu Hán Nôm là Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Quốc gia Việt Nam. Nhờ chương trình số hóa ở những nơi này, tài liệu Hán Nôm được lưu trong máy tính, đĩa CD, DVD tương đối tốt. Tài liệu được lưu trữ theo các chuyên đề về gia phả, sách địa chí, sách điển chế - luật, bản đồ, biển đảo... tuy nhiên, khối lượng tài liệu được số hóa còn hạn chế. Trong nhiều năm qua, 7 cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mới làm được khoảng 1/4 khối lượng kho sách. Viện có một trung tâm tu bổ, phục chế, bồi vá tài liệu cũ, hỏng, rách nhưng cũng chỉ có 4 người làm. Do chế độ, chính sách chưa được quan tâm đúng mức, nên ít người hào hứng với công việc này. Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, với sự tài trợ của nước ngoài, việc số hóa được thực hiện nhanh hơn, nhưng số người làm công việc này không nhiều.

Đối với tài liệu Hán Nôm tản mát ở nước ngoài, cách bảo tồn duy nhất là cử cán bộ đến đó tìm kiếm, số hóa rồi đem về nước. PGS- TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: "Viện không mua được những tài liệu Hán Nôm này bởi tài liệu đã được mang ra nước ngoài từ năm 1954 trở về trước, được đăng ký nhập vào các thư viện của nước ngoài. Hiện nay, Viện mới chỉ số hóa được vài trăm cuốn sách ở Pháp với sự giúp đỡ về kinh phí của Viện Viễn đông Bác cổ (Pháp) và Viện Harvard - Yenching (Hoa Kỳ). Nước ta hiện chưa cấp kinh phí để thực hiện loại việc này".

Với tài liệu trong nhân dân, các nhà khoa học buộc phải tổ chức những chuyến đi thu thập. Đối với thư tịch, gia đình nào đồng ý bán thì mua, không đồng ý bán thì xin phép photocopy. Các hoành phi, câu đối thì chụp ảnh, sao chép; văn bia, chuông khánh… thì in rập lại. Công việc này được Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm trong nhiều năm qua, nhưng mới chỉ đến được các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc bộ và một số tỉnh Trung bộ. Điều đáng nói là giá sách được duyệt rất thấp, cao nhất chỉ là 500.000 đồng, theo PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh là "quá rẻ, nên không thể mua được sách trong dân".

Theo đánh giá chung, số lượng văn bản Hán Nôm cổ lưu giữ trong nhân dân còn nhiều. Nếu không đẩy nhanh tiến trình sưu tầm, bảo quản, nhiều tài liệu cổ quý hiếm có nguy cơ biến mất. Hiện nay, số người có khả năng đọc được các tài liệu Hán Nôm không nhiều, trong khi có quá ít người trẻ, quan tâm tới việc nghiên cứu tư liệu Hán Nôm. Nếu tình hình này không được cải thiện nhanh chóng thì việc bảo tồn di sản Hán Nôm sẽ ngày một khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn di sản Hán Nôm: Chạy đua với thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.