(HNM) - Ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đã xuất bản số đầu tiên. Và từ đó, ngày 21-6 hằng năm đã trở thành cột mốc vàng son cho sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam.
Đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam
Sau nhiều năm hoạt động tại Pháp, Liên Xô, cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động cách mạng. Tại đây, Người tổ chức xuất bản báo Thanh Niên, vừa làm công tác chỉ đạo, vừa trực tiếp viết nhiều tin bài cho tờ báo. Hầu hết bài viết của Người đều không ký tên hoặc bút danh.
Thời gian đầu, báo ra mỗi tuần một kỳ. Về sau, do nhiều khó khăn về điều kiện in nên số sau cách số trước có khi 3 tuần, 5 tuần. Do đây là tờ báo cách mạng đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản tại Trung Quốc để gửi về nước và một số nơi khác nên việc trình bày, in ấn hoàn toàn thủ công với số lượng bản in không nhiều. Trong khi đó, việc bí mật vận chuyển báo về nước, đưa đến được tay các chi bộ Đảng cũng gặp vô vàn khó khăn, nguy hiểm. Chưa kể các chi bộ phải cất giấu tờ báo này để tránh lọt vào tay mật thám Pháp...
Báo Thanh Niên số 63 ra ngày 3-10-1926, hiện được lưu giữ, bảo quản đặc biệt tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, là một trong những hiện vật vô cùng quý giá, bởi như đã nói, việc cất giấu và sưu tầm, lưu giữ được một số báo cho đến ngày hôm nay là rất khó khăn. Tờ báo Thanh Niên số 63 có kích thước khá nhỏ (nhỏ hơn khổ giấy A4), măng sét kẻ ô hình chữ nhật, chính giữa có viết hai chữ “Thanh Niên” bằng chữ Việt và chữ Hán. Số tờ báo được viết trong ngôi sao 5 cánh đặt bên trái măng sét. Phía dưới măng sét, góc bên phải đề thời gian ra báo. Các bài viết được phân bố đồng đều, có kẻ ô, chia cột cho người đọc dễ theo dõi.
Mở ra đường lối tuyên truyền mới
Các bài viết trên báo Thanh Niên thường ngắn gọn, dễ hiểu, có trích dẫn thông tin, số liệu cụ thể và so sánh để giải thích các vấn đề. Tờ báo viết bằng tiếng Việt, được bí mật chuyển về nước, lưu hành trong các chi bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội và những cơ sở cách mạng của Việt kiều ở Pháp và Thái Lan.
Báo Thanh Niên có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân ta. Giáo sư Đỗ Quang Hưng - người đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, cho biết: Tờ báo là cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, tổ chức tiền thân quan trọng nhất của Đảng ta. Được in bí mật với số lượng chỉ 400, 500 bản, khi báo được đưa về nước lập tức đã bị kẻ thù theo dõi. Ngay từ đầu năm 1926, Chánh mật thám Đông Dương L. Macti đã lệnh cho tay sai tìm cho bằng được bộ báo này. Và, chỉ bằng cách xếp mấy chục số đầu tiên của Báo Thanh Niên, tên mật thám cáo già này đã kết luận, chắc chắn tác giả tờ báo phải là Nguyễn Ái Quốc, tòa soạn phải ở Quảng Châu.
Để tuyên truyền về mục đích, tôn chỉ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, bên cạnh vạch trần tội ác của bè lũ thực dân và triều đình phong kiến bạc nhược, báo Thanh Niên nêu nhiều sách lược đấu tranh giải phóng dân tộc, qua đó khích lệ tinh thần yêu nước của đồng bào ta, từ đó vùng lên đánh đổ thực dân Pháp và chính quyền phong kiến, giành độc lập tự do, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội... Trong bài viết “Cấm đi ra ngoài” đăng trên số 63 có đoạn: "Bây giờ nếu Pháp nó cho người An Nam chạy ra ngoài thì lấy ai nộp sưu cho nó, nộp thuế cho nó, đào mỏ cho nó, vác gỗ cho nó. Cái sự cực khổ xưa dân An Nam đã rất mực rồi, không có dân nước nào mà khổ sở như vậy. Đồng bào ơi! Quyền tự do là giời cho mình, người mà không được tự do thà rằng chết, tỉnh dậy đập vỡ cái lồng tây nó nhốt người mình đi. Đồng bào ơi! Cam chịu như gà như lợn mà hay sao? Chỉ có gà lợn thì mới chịu người ta giam nhốt mãi, nếu là người thì thế nào cũng kiếm cách phá lồng mà ra".
Báo Thanh Niên số 68 ra ngày 7-11-1926, số đặc biệt kỷ niệm 9 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, được trình bày nổi bật, giống như một bức tranh cổ động, tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác - Lênin. Điểm nổi bật của số báo này là tranh ký họa chân dung của Lênin, lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản thế giới, đứng hiên ngang trên quả địa cầu chỉ tay về phía ngôi sao 5 cánh, chính giữa có hình búa liềm (biểu tượng cho liên minh công nông). Phía dưới ngôi sao là đôi câu đối viết bằng chữ Hán, ca ngợi cách mạng vô sản, mỗi câu gồm 10 chữ.
Phân tích các giai cấp trong xã hội Việt Nam lúc đó, báo Thanh Niên số này nhận định lực lượng cách mạng là mọi tầng lớp nhân dân, nên quốc dân giác ngộ chừng nào thì lực lượng cách mạng to lớn chừng ấy. Để giúp cán bộ và đồng bào ta hiểu rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, báo giới thiệu kỹ về lãnh tụ Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đồng thời chỉ rõ mối quan hệ mật thiết giữa Cách mạng Tháng Mười với cách mạng thế giới. Tờ báo cũng nêu lên ý nghĩa và tác dụng to lớn của Cách mạng Tháng Mười đối với phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam. Muốn làm cách mạng thành công, cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, con đường của Lênin vĩ đại.
Thông qua báo Thanh Niên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin với đường lối cứu nước, vận dụng phù hợp lý luận với thực tiễn cách mạng Việt Nam, nên tờ báo có sức thuyết phục, tuyên truyền mạnh mẽ.
Những nội dung trên báo Thanh Niên đã có tác dụng phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam và kết hợp một cách nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản, đề ra những vấn đề cơ bản thuộc về chiến lược, sách lược của cách mạng và vai trò lãnh đạo của một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Tờ báo giúp thanh niên và nhân dân ta lúc đó thoát khỏi tình trạng bế tắc, nâng cao nhiệt thành cách mạng và lòng tin tưởng vào tiền đồ xán lạn của dân tộc: "Lớp thanh niên của những năm 1930 như chúng tôi vô cùng háo hức mỗi khi được đọc một cuốn sách, thậm chí một bài báo của C.Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lênin, Nguyễn Ái Quốc. Báo Thanh Niên do Bác sáng lập và viết nhiều bài, mỗi lần mang về nước là chúng tôi truyền tay nhau đọc đến nhàu nát, rồi chép đi chép lại đến thuộc lòng. Lúc này, tuy chưa được gặp Bác nhưng qua sách, báo của Bác, chúng tôi đã học được ở Bác rất nhiều. Học Bác về lý tưởng cách mạng và cách làm cách mạng. Học Bác về cách tổ chức một đoàn thể. Học Bác về chủ nghĩa yêu nước thương dân, ghét bọn ăn bám, bóc lột. Bài học đầu tiên mà Bác dạy cho chúng tôi là bài học "tư cách người cách mạng" (Hoàng Quốc Việt, “Con đường theo Bác”, NXB Thanh Niên, năm 1990).
Ngoài việc đặt nền móng đầu tiên cho báo chí cách mạng Việt Nam, báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập có tác dụng to lớn trong việc chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, là tiền đề quan trọng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử 1925 - 1930, Báo Thanh Niên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là tờ báo cách mạng tuyên truyền, cổ động tập thể, vạch trần tội ác của thực dân Pháp và chế độ phong kiến suy tàn, khích lệ tinh thần yêu nước và khí phách hào hùng của dân tộc Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.