(HNM) - Bảo tàng Hà Nội (BTHN), một trong những công trình văn hóa trọng điểm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được xây dựng để tôn vinh giá trị lịch sử - văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến. Thế nhưng gần đây có một số ý kiến cho rằng công trình ấy là
Thế nhưng gần đây có một số ý kiến cho rằng công trình ấy là "lãng phí đầu tư công, vì sau khi xây dựng xong nó chỉ là một tòa nhà hình tháp ngược trống không, chưa biết dùng để làm gì..." Đó là nhận xét thiếu khách quan, vì trong thực tế, BTHN tuy chưa hoàn thiện nội dung trưng bày nhưng đã đón khoảng 600.000 lượt khách tham quan, góp phần quảng bá lịch sử - văn hóa Hà Nội.
Công trình giàu ý nghĩa
Đông đảo nhân dân tham quan Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng
Không phải đến năm 2008, khi Nhà nước quyết tâm giảm đầu tư công thì BTHN mới được phê duyệt xây dựng, mà nó đã được quy hoạch từ những năm 90 của thế kỷ trước. Sau khi chọn được vị trí, mô hình kiến trúc phù hợp, tháng 5-2008, BTHN được xây dựng trên khu đất rộng 54.150m2 trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia. Sau hơn 2 năm thi công, BTHN hoàn thành đúng tiến độ và khánh thành vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như một công trình để tri ân với tổ tiên, một món quà nhiều ý nghĩa dành tặng cho các thế hệ con cháu sau này.
Ngay trong ngày khánh thành công trình, hàng vạn hiện vật của các tổ chức, cá nhân phản ánh lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa của đất Thăng Long - Hà Nội từ nghìn xưa cho đến nay đã được trưng bày tạm thời để đáp ứng phần nào nhu cầu của khách tham quan. Cụ thể, tầng 1 để trưng bày các hiện vật tiêu biểu của Thăng Long. Tầng 2 trưng bày hơn 400 mẫu hiện vật phản ánh điều kiện tự nhiên Hà Nội và hiện vật thời kỳ tiền Thăng Long. Tầng 3 trưng bày hiện vật về Thăng Long - Hà Nội của các nhà sưu tầm tư nhân. Tầng 4 giới thiệu hình ảnh Hà Nội xưa và nay cùng hàng nghìn hiện vật tiêu biểu của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam. Đặc biệt, ngày 29-1 vừa qua, BTHN đã giới thiệu hàng nghìn tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng, sưu tầm và giới thiệu trong dịp Đại lễ tới đông đảo công chúng, được đánh giá cao.
Phó Giám đốc BTHN Nguyễn Tiến Đà cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khi đi vào hoạt động đến nay BTHN đã đón khoảng 600.000 lượt người đến tham quan, trong đó có rất nhiều khách nước ngoài. Riêng ngày hôm qua (5-4), BTHN đón gần 3.000 lượt khách. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BTHN khẳng định: Hiện tại, hầu hết các hiện vật trưng bày vẫn được giữ nguyên. Riêng các hiện vật của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn cổ vật Việt Nam trong không gian trưng bày tầng 4 được rút về phục vụ cho các hoạt động của trung tâm. Để lấp đầy khoảng không gian này, BTHN đã có văn bản xin ý kiến của UBND TP Hà Nội cho phép trưng bày hai chuyên đề là "Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" và "Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội". Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: Công tác trưng bày của BT hiện nay mới mang tính chất tạm thời, vì hồ sơ thiết kế tổng thể nội dung trưng bày cho đến nay vẫn chưa chính thức được phê duyệt. Khi có thiết kế chi tiết và thực hiện trưng bày tài liệu, hiện vật theo đúng thiết kế chi tiết đó thì BTHN mới chính thức vận hành đầy đủ. Tuy vậy, BTHN vẫn đang thực hiện chức năng chuyên môn của mình với đội ngũ 57 cán bộ, nhân viên, trong đó có hơn 10 thuyết minh viên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách.
Khó trăm bề
Riêng về phần thiết kế nội dung, ông Đồng Huyền Ngọc, Trưởng BQL dự án xây dựng BTHN (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay: Sở Xây dựng đã có Tờ trình số 1280/TTr-SXD ngày 7-3, đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt hồ sơ thiết kế tổng thể theo phương án của Công ty STORY INC (New Zealand) - đơn vị được thành phố Hà Nội chọn thiết kế tổng thể trưng bày BTHN. Theo đó, không gian trưng bày tầng 1 sẽ là hình ảnh Rồng thiêng - linh hồn, lịch sử văn hóa của Hà Nội và các phòng trưng bày tạm thời. Tầng 2 để giới thiệu đặc điểm tự nhiên Hà Nội và thời kỳ tiền Thăng Long. Tầng 3 là nơi giới thiệu các tư liệu, hiện vật từ khi kinh thành Thăng Long hình thành đến nửa đầu thế kỷ XX. Lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội từ năm 1945 đến nay được giới thiệu ở không gian trưng bày tầng 4. Dự kiến, đến tháng 6 năm 2013, việc thiết kế, thi công nội dung trưng bày BTHN mới hoàn thành.
Được biết, phương án thiết kế tổng thể nội dung trưng bày BTHN như trên đã được Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL chấp thuận. Tuy nhiên, để có thể trưng bày theo thiết kế, BTHN cần thêm nguồn kinh phí hơn 767 tỷ đồng. Đó là điều rất khó có thể thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Giám đốc BTHN cũng chia sẻ: BTHN hiện có hơn 60.000 hiện vật nhưng chủ yếu là hiện vật thời kỳ tiền Thăng Long đang rất thiếu, các hiện vật về kinh đô Thăng Long, về lịch sử mỹ thuật Hà Nội cổ đại và đương đại. Nguyên nhân là do các tư liệu, hiện vật gắn với các sự kiện diễn ra ở đây cũng là đối tượng sưu tầm của nhiều bảo tàng khác. Ví như hiện vật Hoàng thành Thăng Long là đối tượng sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; vũ khí chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là đối tượng sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam; mâm, bát, đĩa cổ phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô là đối tượng trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... Để có thể trưng bày các tài liệu, hiện vật tại BTHN theo thiết kế, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định: BTHN sẽ phối hợp với các bảo tàng chuyên ngành trong việc trao đổi hiện vật, tổ chức trưng bày luân phiên hoặc làm phiên bản các hiện vật giá trị; đồng thời tích cực thăm dò, khảo sát và khai quật hiện vật trong lòng đất…
Nhìn vào những bảo tàng "đàn anh" sẽ thấy, Bảo tàng Hồ Chí Minh phải mất tới 10 năm mới hoàn thiện công tác trưng bày, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng phải mất 7 năm mới có thể "ra tấm ra món", vậy thì BTHN với quy mô lớn hơn gấp nhiều lần lại "sinh sau, đẻ muộn" nên gặp phải những khó khăn bước đầu cũng là điều khó tránh khỏi. Thật không khách quan khi đánh giá BTHN chỉ là "cái xác nhà không" và càng không khách quan khi đem một công trình văn hóa mang giá trị không thể cân đo đong đếm so sánh với một dự án kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.