Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng Hà Nội: Thay đổi để phát triển

Minh Ngọc| 19/04/2016 07:15

(HNM) - Trước đây, trong thời gian trưng bày tạm thời, nội dung trưng bày của Bảo tàng Hà Nội (BTHN) không ít lần bị dư luận cho là nghèo nàn, chưa xứng tầm với chiều sâu lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Chủ động tìm đến công chúng mang lại hiệu quả rõ nét cho Bảo tàng Hà Nội.


Nhằm phát huy tối đa những giá trị hiện có, góp phần "kể chuyện" Thăng Long - Hà Nội, BTHN đã thay đổi cách thức phục vụ công chúng và kết quả mang lại thật bất ngờ...

Xây dựng nếp văn hóa ứng xử

Trăn trở tìm hướng đi cho BTHN, ngành văn hóa Thủ đô nhận thấy không có cách nào tốt hơn là phát huy nội lực, bắt đầu từ sự thay đổi cách thức ứng xử, thái độ phục vụ du khách. Trên tinh thần đó, từ cuối năm 2015 đến nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên của BTHN không thụ động chờ khách đến mà chủ động đi tìm công chúng.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà: Từ đầu năm đến nay, BTHN đón tiếp, phục vụ hơn 30.000 lượt khách tham quan, tăng vượt bậc so với cùng kỳ những năm trước.

Với đà tăng này, năm 2016, BTHN dự kiến sẽ đón hơn 100.000 lượt khách. Điều đáng chú ý là lượng khách tham quan là người ngoài Hà Nội ngày một nhiều, trong đó có nhiều khách nước ngoài (chiếm gần 20%).


"Chúng tôi chủ động liên hệ với một số trường học, công ty du lịch, các tổ chức chính trị, xã hội… để giới thiệu về BTHN và mời khách đến tham quan. Khi khách đến, chúng tôi đón họ với thái độ trân trọng như tiếp khách quý đến nhà. Nói cách khác, chúng tôi đã và đang xây dựng nếp văn hóa ứng xử theo hướng thanh lịch, văn minh trong mọi hoạt động", Giám đốc BTHN Nguyễn Tiến Đà cho biết.

Ngày 14-4, phóng viên Báo Hànộimới hòa cùng đoàn tham quan của Trường Tiểu học Trung Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), phần nào thấy được sự thay đổi tích cực trong công tác đón tiếp, phục vụ khách của BTHN. Ngay từ khi khách xuống xe, cán bộ của bảo tàng đã ra đón, niềm nở hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách tìm hiểu nội dung trưng bày cũng như tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài sân vườn. Đoàn khách nào có nhu cầu, BTHN sẵn sàng tư vấn và phối hợp tổ chức các hoạt động vui chơi cho phù hợp với từng đối tượng.

Vào bên trong, du khách dễ dàng nhận thấy nội dung trưng bày của BTHN không khác nhiều so với những năm trước, nhưng có sự sắp xếp, bài trí lại cho hợp lý hơn. Hệ thống thuyết minh tự động mới được bổ sung, có phần nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh, giúp du khách hiểu hơn về nội dung trưng bày cũng như lịch sử, văn hóa, con người của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Thông qua hệ thống thuyết minh tự động, du khách hiểu rằng bảo tàng đang trong quá trình hoàn thiện, nội dung trưng bày hiện nay mới chỉ là tạm thời và sẽ hoàn thiện để có thể phục vụ khách một cách tốt nhất. Ở tầng 1, tại khu vực trung tâm không gian trưng bày, BTHN đặt cuốn sổ ghi cảm tưởng nhằm tiếp nhận ý kiến góp ý của công chúng...

Sự thay đổi theo hướng tích cực đang được thể hiện ở BTHN, góp phần tạo ra sức hút đối với khách tham quan. Những dòng cảm tưởng được khách ghi lại, thể hiện sự hài lòng. Ông Đinh Văn Long, thay mặt đoàn CCB xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) tham quan BTHN vào ngày 12-4, nhận xét: "Chúng tôi rất hài lòng với thái độ phục vụ của BTHN. Chúng tôi mong muốn BTHN sớm bổ sung hiện vật trưng bày để chiều sâu lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội được tái hiện rõ nét hơn". Học sinh Vũ Mai Trang, lớp 4D, Trường Tiểu học Văn Điển A, huyện Thanh Trì (Hà Nội) thì viết: "Tham quan BTHN giúp chúng em hiểu sâu hơn về những kiến thức đã được học ở trường. Chúng em biết thế nào là trống đồng thời Đông Sơn, biết di tích đình, đền Xứ Đoài có đặc điểm gì nổi bật". Còn nữ du khách người Anh Linny Becher thì nói rằng, bà sẽ quay trở lại đây khi BTHN hoàn thiện nội dung trưng bày.

Đa dạng hoạt động

Song song với việc xây dựng nếp văn hóa ứng xử, BTHN đã và đang phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng nghiên cứu sưu tầm, bổ sung hiện vật, từng bước hoàn thiện nội dung trưng bày trong nhà và đa dạng hóa các hoạt động ngoài trời theo hướng chuyên đề. Theo kế hoạch, BTHN sẽ phối hợp với Bảo tàng Gốm sứ Việt Nam tổ chức trưng bày, giới thiệu 12 dòng tranh dân gian Việt Nam vào giữa tháng 5 tới để thay thế cho triển lãm "Đình làng Việt" tại không gian trưng bày tầng 1. Khu trưng bày ngoài trời gồm nhiều chủ đề mới thực hiện như Khu phố cổ Hà Nội, Cổng làng Mông Phụ, là nơi thường xuyên giới thiệu, trình diễn các trò chơi dân gian tiêu biểu như mèo đuổi chuột, đánh đáo, đẩy gậy, kéo co...

Về công tác trưng bày BTHN theo nội dung kịch bản, ông Nguyễn Tiến Đà cho biết, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở VH-TT Hà Nội, BTHN phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát lại những phần việc đã làm trong thời gian qua, qua đó phân tích, nghiên cứu và có thể đề xuất các phương án điều chỉnh cho phù hợp. Trước mắt, Sở VH-TT Hà Nội và BTHN xây dựng kế hoạch phát động Cuộc vận động hiến tặng hiện vật, tài liệu cho BTHN nhằm tranh thủ nguồn lực xã hội hóa cho việc hoàn thiện thiết chế văn hóa quan trọng bậc nhất Thủ đô, giảm gánh nặng cho ngân sách.

"Trong điều kiện BTHN chưa thể đầu tư thêm các công trình, hạng mục mới, chưa hoàn thiện nội dung trưng bày, phương châm phục vụ của chúng tôi là lấy thái độ ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", ông Nguyễn Tiến Đà nói.

Với những sự thay đổi tích cực, hy vọng BTHN sẽ trở thành điểm đến được yêu thích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Hà Nội: Thay đổi để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.