(HNM) - Để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ 0h ngày 16-2, toàn bộ bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội tạm thời đóng cửa, ngừng đón khách tham quan. Khó khăn này đang được nhiều điểm đến văn hóa của Thủ đô tận dụng thành cơ hội triển khai các kế hoạch dài hơi, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, sẵn sàng cho ngày mở cửa trở lại...
Tiếp tục nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ
Ngày mùng 5 Tết Tân Sửu 2021, buổi sáng đầu tiên thực hiện đóng cửa, không gian di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám chìm trong yên ắng, chỉ còn lực lượng bảo vệ túc trực tại các điểm ra, vào để khuyến cáo, nhắc nhở người dân. Bà Nguyễn Ngân Hà (phường Kim Mã, quận Đống Đa) chia sẻ: "Du Xuân, lễ Tết là truyền thống lâu năm của nhiều gia đình, nên tôi cũng ít nhiều hụt hẫng. Tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tôi thấy đây là việc cần thiết". Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, trung tâm cho cán bộ, nhân viên nghỉ ngơi một ngày, sau đó tập trung dọn dẹp, chỉnh trang, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại di tích. Trung tâm tranh thủ thời gian tạm dừng đón khách để tập trung toàn lực cho việc nghiên cứu trưng bày Trường Quốc Tử Giám, phục dựng các sinh hoạt tại trường, dự kiến ra mắt công chúng vào cuối năm nay; tiếp tục ứng dụng công nghệ để số hóa 3D hệ thống bia tiến sĩ tại đây nhằm vừa nâng cao hiệu quả lưu trữ, vừa phát huy giá trị rộng rãi hơn.
Trước đó, chiều 15-2, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã thông tin rộng rãi về việc dừng đón khách nhằm bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND thành phố. Theo Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) Nguyễn Thị Yến, trong thời gian tạm dừng đón khách, trung tâm tập trung nghiên cứu chuyên sâu các nghi lễ, nghi thức cung đình để phục vụ khách tham quan, xây dựng sản phẩm du lịch đêm ra mắt trong thời gian sớm nhất. Các hoạt động tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên; cải tạo cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ, nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng dịch,… cũng sẽ được triển khai trong thời gian này, nhằm mang đến chất lượng phục vụ tốt nhất dành cho du khách.
“Khu di tích mới trang bị máy đo thân nhiệt tự động, bình sát khuẩn tự động,… ở các cổng chính. Phương án di chuyển giãn cách cũng như tuyên truyền khách tham quan tuân thủ thông điệp “5K” sẽ tiếp tục được duy trì khi di tích mở cửa trở lại”, bà Nguyễn Thị Yến thông tin.
Sẵn sàng cho ngày mở cửa trở lại
Cùng với nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội, công tác bảo tàng, di tích đã và đang chịu tác động không nhỏ từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, với quan điểm “không thụ động ngồi chờ”, nhiều bảo tàng, di tích đã chủ động “biến” thách thức thành cơ hội, tranh thủ quãng thời gian tạm thời đóng cửa để tập trung cho những kế hoạch dài hơi, góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến, khi mở cửa trở lại. Trong khi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ưu tiên cho việc sưu tầm, bảo quản, phục chế hiện vật; Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương...; thì Bảo tàng Hà Nội lại tận dụng thời gian này để đẩy mạnh làm việc trực tuyến giữa các chuyên gia trong nước, đơn vị tư vấn thiết kế với các chuyên gia bảo tàng tại Pháp về trưng bày.
Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết, tận dụng quãng thời gian tạm đóng cửa đón khách, Bảo tàng Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu theo hình thức cuốn chiếu, bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng thi công. Bên cạnh công tác chuyên môn, việc bảo đảm vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cũng được các bảo tàng, di tích chú trọng. Theo đó, các công trình văn hóa này đều tổ chức phun thuốc khử khuẩn quanh khu vực điểm đến và yêu cầu cán bộ, nhân viên rèn tập các kỹ năng hướng dẫn du khách thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang, vệ sinh sát khuẩn tay thường xuyên,… sẵn sàng phục vụ khi hoạt động tham quan được khôi phục.
Đề cập đến hoạt động của bảo tàng, di tích trong thời gian thực hiện đóng cửa, tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, đây là cơ hội để các bảo tàng, di tích trực thuộc Sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, không chỉ để ứng phó với dịch Covid-19 có thể kéo dài, mà còn tăng cơ hội quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa tới nhiều người. Ngoài ra, các đơn vị cần chủ động phương án sẵn sàng phục vụ công chúng và du khách đi kèm với các yêu cầu về phòng, chống dịch ngay khi được mở cửa trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.