(HNM) - Hơn 14.000 tư liệu, hiện vật đã được hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong đó có rất nhiều hiện vật
Nhiều hiện vật được hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. |
- Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam (21-8-2014), đến nay, “ngôi nhà ký ức” của báo chí nước nhà được xây dựng đến đâu, thưa bà?
- Sau gần ba năm, tổng số hiện vật, tư liệu mà chúng tôi tiếp nhận được đã là hơn 1,4 vạn - một con số bất ngờ với cả người trong cuộc, nhưng là một kết quả tuyệt vời và xứng đáng. Đó là một trong các cơ sở quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận Bảo tàng Báo chí Việt Nam đủ tiêu chuẩn thành lập theo luật định. Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cũng đã ký tờ trình và gửi hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ra quyết định thành lập Bảo tàng trong thời gian tới đây.
- Hành trình thu thập hiện vật chắc hẳn có rất nhiều câu chuyện bất ngờ, ý nghĩa?
- Đó là chặng đường dài vất vả nhưng cũng là niềm hạnh phúc của những nhà báo, những cán bộ Hội được phân công một công việc mới mẻ là làm bảo tàng. Đó cũng là hành trình chứa đựng biết bao ân tình của rất nhiều nhà báo, gia đình, thân nhân nhà báo, cộng tác viên và công chúng. Quá trình đó, chúng tôi vừa học hỏi, nghiên cứu, tiếp cận địa bàn, vừa trực tiếp khai thác hiện vật vừa kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng, đồng thời bước đầu tiến hành kiểm kê, phân loại, sắp xếp hiện vật, tư liệu, xây dựng các bộ sưu tập.
- Đúng là thách thức lớn khi mà Ban quản lý đề án chỉ có chưa đầy chục người, cán bộ chuyên môn hầu hết còn rất trẻ...?
- Đúng vậy! Khởi đầu có cảm giác khối lượng công việc như núi. Nhưng khi tiếp cận với tư liệu, hiện vật gắn liền với những câu chuyện đời, chuyện nghề, với sự sống, cái chết, mồ hôi, nước mắt của những người làm báo thế hệ trước, chúng tôi thực sự bị cuốn hút và càng thấy rõ ý nghĩa những việc mình làm. Đợt tổ chức phát động hiến tặng hiện vật cho bảo tàng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chỉ trong một tuần, tám người chúng tôi chia làm ba mũi đi khắp các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thu nhận hơn 4 nghìn hiện vật, tài liệu.
Kết quả đó chỉ có được nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của đông đảo các nhà báo, cơ quan báo chí, cộng tác viên và công chúng báo chí. Đó là hành trình của những bữa cơm trưa bắt đầu lúc 1 giờ chiều, cơm tối sau 9 giờ tối, và đêm nào cũng dành thời gian tới khuya để vừa phân loại vừa viết thuyết minh cho từng hiện vật, sao cho kịp công bố tại buổi lễ phát động.
- Bà có thể giới thiệu một vài hiện vật đặc sắc đã sưu tầm được?
- Mỗi hiện vật, tư liệu chứa đựng câu chuyện riêng, chứa chan tình cảm yêu mến mà các nhà báo, thân nhân của họ đã tin cậy trao gửi. Đơn cử như hộp đèn dầu bằng gỗ mà các phóng viên Báo Nghệ An thời kháng chiến chống Mỹ sử dụng khi viết bài với thiết kế đặc biệt nhằm tránh máy bay địch phát hiện; chiếc loa nén 500W đặt bên bờ Hiền Lương; các phương tiện tác nghiệp khác như máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim được các nhà báo chiến trường sử dụng...
- Các hiện vật thực sự đã góp phần tôn vinh các thế hệ nhà báo, các thành tựu nghề nghiệp mà các nhà báo đã giành được trong các giai đoạn lịch sử của đất nước...?
- Xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là tâm huyết của nhiều nhiệm kỳ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Nhận thức rõ về các nội dung trưng bày của bảo tàng tương lai, và được sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Hội, chúng tôi đã quyết liệt vào cuộc sưu tầm hiện vật. Sáu cuộc phát động hiến tặng hiện vật tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, miền Trung, Tây Nguyên... đã được tổ chức, trong đó, đa phần hiện vật, tư liệu thu nhận được đều góp phần khắc họa rõ nét hình ảnh các nhà báo - chiến sĩ cách mạng một cách sinh động và chân thực. Chúng tôi cũng đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm hiểu, mở rộng “tầm ngắm” và phạm vi hoạt động. Nhờ vậy, trên cơ sở các tư liệu, hiện vật được hiến tặng, cùng với sự hỗ trợ từ nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tàng, thư viện, chúng tôi đã tổ chức được ba cuộc triển lãm chuyên đề về báo chí, gồm Triển lãm “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”, “Báo chí dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng”, “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ”, tái hiện một phần lịch sử vẻ vang của báo chí nước nhà...
Chúng tôi tin rằng, sau khi được thành lập và đi vào hoạt động, Bảo tàng sẽ có nhiều cơ hội triển khai những triển lãm chuyên đề như thế, góp phần đem đến cho công chúng những cảm nhận sống động từ những di sản báo chí Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.