Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp thể hiện rõ vai trò ''giá đỡ'' an sinh

Vũ Minh| 28/04/2023 18:13

(HNMO) - Theo các quy định của pháp luật hiện hành, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là một trong những chế độ cơ bản của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) dành cho đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nhờ có chính sách này, khi không may gặp rủi ro trong lao động, người lao động có điểm tựa an sinh để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cần tăng cường tuyên truyền, huấn luyện về an toàn lao động, giúp người lao động nắm vững kỹ năng chủ động phòng ngừa tai nạn khi làm việc. 

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, riêng năm 2022 vừa qua, cả nước đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đối với 2.652 người, giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một lần đối với 5.512 người. Tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Những tháng đầu năm 2023, số người hưởng các chế độ này chưa giảm.

Mặc dù, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp khẳng định rõ tính ưu việt, nhưng theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc thực hiện chế độ này còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Nổi lên là các quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đa số các trường hợp bất hợp lý được xem xét lại đều trên cơ sở ý kiến phản hồi từ cơ quan BHXH, người lao động hoặc cá nhân liên quan, còn đoàn điều tra tai nạn lao động không phải chịu trách nhiệm pháp lý khi kết luận điều tra không đúng. Từ thực tế này, BHXH Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc nhằm bảo đảm việc tuân thủ pháp luật về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.

Nguy cơ tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp xảy ra nhiều hơn ở các ngành nghề nguy hiểm, độc hại, trong đó có nghề xây dựng. 

Nội dung khác cần quan tâm là, hiện nay, tỷ lệ đóng vào Quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp của các nhóm lao động đều bằng nhau, trong khi nạn nhân của các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tập trung chủ yếu ở các ngành nghề, lĩnh vực nguy hiểm, độc hại. Để củng cố vững chắc hơn vai trò điểm tựa an sinh của bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, nhiều ý kiến kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cần phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo mức độ nguy hiểm, rủi ro của ngành, nghề. Nói cách khác, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với nhóm nghề nguy hiểm, độc hại cần tăng lên…

Trong khi chờ đợi các giải pháp vĩ mô, thì người lao động đón nhận tin vui được tăng thêm quyền lợi hưởng chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ ngày 1-7-2023 theo kế hoạch điều chỉnh tăng lương cơ sở từ thời điểm này.

Theo phương án tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng hiện nay lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7-2023, thì người lao động bị suy giảm khả năng lao động mức 5% sẽ nhận được mức trợ cấp tăng từ 7,45 triệu lên mức 9 triệu đồng. Người lao động bị suy giảm mức 31% khả năng lao động nhận trợ cấp BHXH hằng tháng từ 447.000 đồng/người/tháng tăng lên 540.000 đồng/người/tháng… Mức thụ hưởng đối với các trường hợp khác cũng tăng theo tương ứng…

Qua những dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp ngày càng thể hiện rõ vai trò giá đỡ, điểm tựa an sinh của người lao động, nhưng cũng cần được nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp thể hiện rõ vai trò ''giá đỡ'' an sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.