Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất bổ sung Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

Phú Cường| 27/03/2023 11:50

(HNMO) - Khi tìm hiểu về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, nhiều ý kiến cho biết, họ chưa hiểu rõ Quỹ BHXH được hình thành từ những nguồn nào và được quản lý và chi phí ra sao?

Trên thực tế, nội dung này đã được quy định cụ thể tại Luật BHXH năm 2014. Theo đó, Quỹ BHXH là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước, được hình thành từ đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Quỹ BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Nguồn quỹ này được hình thành từ 5 nguồn chính, đó là nguồn người sử dụng lao động đóng; nguồn do người lao động đóng; nguồn do tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác.

Quỹ BHXH chủ yếu được chi cho các chế độ BHXH dành cho người lao động tham gia chính sách.

Từ các nguồn đóng góp, Quỹ BHXH được chia thành các quỹ thành phần, gồm: Quỹ ốm đau và thai sản; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quỹ hưu trí và tử tuất.

Nguồn Quỹ BHXH dùng để chi trả các chế độ BHXH cho người lao động; đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, nhận con nuôi...

Cùng với đó, Quỹ BHXH được sử dụng để trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp không do người sử dụng lao động giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Đáng chú ý, Quỹ BHXH còn được đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định.

Trong các khoản chi, thì việc chi các chế độ BHXH cho người lao động là khoản chi chính và chiếm tỷ trọng cao nhất.

Để nguồn Quỹ BHXH phát huy hiệu quả hơn nữa, đồng thời phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, các quy định về Quỹ BHXH cơ bản được kế thừa những nội dung của pháp luật hiện hành; đồng thời đề xuất bổ sung một số quy định mới.

Theo đề xuất, Hội đồng quản lý BHXH có Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ; các Phó Chủ tịch và các ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức (quy định hiện hành chưa quy định rõ Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH là Phó Thủ tướng Chính phủ). Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý BHXH cũng được quy định chặt chẽ hơn.

Ngoài 3 quỹ thành phần như hiện nay (Quỹ ốm đau và thai sản; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quỹ hưu trí và tử tuất), Quỹ BHXH được bổ sung thành phần Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Quy định chi phí quản lý BHXH cũng được đề xuất theo 2 phương án: Phương án 1: Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu BHXH. Phương án 2: Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH.

Cũng theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH phải theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả, thu hồi được vốn đầu tư. Trên tinh thần đó, các hình thức đầu tư được quy định rõ là: Mua trái phiếu chính phủ; gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Kênh đầu tư khác là cho ngân sách nhà nước vay. Tất cả những nội dung này do Chính phủ quy định chi tiết…

Từ những thông tin nêu trên càng thấy rõ hơn, Quỹ BHXH được xây dựng ngày càng hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc an toàn, chi chủ yếu cho các chế độ BHXH, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Thế nên, người lao động có thể yên tâm tham gia BHXH lâu dài để được thụ hưởng các chính sách an sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất bổ sung Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.