(HNM) - Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ, năm 2013 cả nước xảy ra 2.077 vụ cháy, làm chết 35 người, bị thương 123 người, thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng.
Ngày 19-2 vừa qua, vụ cháy lớn tại kho hàng Công ty Len Hà Đông (Hà Nội) đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Mặc dù doanh nghiệp đã mua bảo hiểm cháy nổ và sẽ được nhận khoản tiền bồi thường, song những lỗ hổng về an toàn kho bãi, nhà xưởng lại một lần nữa được cảnh báo.
Vụ cháy lớn tại kho hàng Công ty Len Hà Đông (Hà Nội) đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. |
Năm 2013, vụ nổ tại Nhà máy Pháo hoa Z121 (Phú Thọ) và cháy tại Nhà máy giấy Diana (Bắc Ninh) đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Sau mỗi vụ việc, nhiều bài học kinh nghiệm về an toàn cháy nổ đã được phân tích nhằm hạn chế thiệt hại, song những vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về kinh tế vẫn tái diễn. Trung tuần tháng 2 vừa qua, ngọn lửa xuất phát từ kho của Công ty T&H, đơn vị chuyên doanh văn phòng phẩm thuê kho của Công ty Len Hà Đông đã nhanh chóng lan ra các kho bên cạnh.
Theo cơ quan chức năng, Công ty Len Hà Đông có 14 tổ hợp kho với tổng diện tích khoảng 34.000m2. Mỗi tổ hợp là những kho nhỏ bên trong, có diện tích từ 100 đến 2.500m2 tùy theo nhu cầu thuê của doanh nghiệp. Mặc dù lực lượng chữa cháy đã khẩn trương tới hiện trường, song đám cháy vẫn thiêu rụi toàn bộ tổ hợp kho số 1 với tổng diện tích 5.012,5m2, với 13 kho nhỏ được các doanh nghiệp khác thuê làm kho hàng chứa đồ gia dụng, văn phòng, loa đài, bánh kẹo, quạt, máy công trình, máy phát điện... Theo cơ quan chức năng, điểm xuất phát cháy là từ kho của Công ty T&H Hà Nội, sau đó đã lan ra toàn bộ tổ hợp kho số 1. Mặc dù nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, song việc 5.012,5m2 nhà kho bị thiêu rụi mà không có những biện pháp chống đỡ hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại đã cho thấy những "lỗ hổng" trong công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các nhà kho, xưởng cho thuê trên địa bàn Hà Nội.
Trao đổi với báo chí sau vụ cháy tại Công ty Len Hà Đông, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, theo đơn bảo hiểm thực tế Công ty Len Hà Đông đã mua bảo hiểm nhà xưởng có thời hạn từ ngày 10-9-2013 đến 9-9-2014, với giới hạn mức trách nhiệm là 21,052 tỷ đồng. Bảo Việt đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng thu thập hồ sơ phục vụ công tác giải quyết, chi trả bồi thường bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.
Mặc dù thiệt hại về tài chính từ vụ việc trên đã được giảm thiểu do toàn bộ khu nhà xưởng đã được mua bảo hiểm, song đại diện một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, bản thân doanh nghiệp được bảo hiểm và người mua bảo hiểm hiện chưa mấy mặn mà với loại hình bảo hiểm này. Nguyên nhân là do người mua bảo hiểm muốn tiết kiệm chi phí kinh doanh, bởi khoản tiền thuê nhà, xưởng hiện nay khá đắt đỏ. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, sự thờ ơ trong công tác PCCC và ý thức của đại bộ phận người dân về vấn đề này còn kém khiến nguy cơ xảy ra cháy nổ luôn ở mức cao cũng khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà khi triển khai loại hình bảo hiểm cháy nổ. Một số doanh nghiệp thậm chí tỏ ra ngần ngại khi triển khai loại hình bảo hiểm này do lo ngại tỷ lệ tổn thất cao.
Theo các chuyên gia bảo hiểm, để hạn chế thiệt hại tài chính cho cả người được bảo hiểm và doanh nghiệp, việc đẩy mạnh các biện pháp an toàn cháy nổ là rất cần thiết. Việc mua bảo hiểm cháy nổ chỉ là một trong những giải pháp nhằm san sẻ bớt thiệt hại khi rủi ro không may xảy ra. Bởi nếu không có những biện pháp PCCC hiệu quả, khi rủi ro xảy ra, người mua bảo hiểm sẽ bị thiệt hại lớn về con người, vật chất, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn. Khoản tiền bồi thường nhờ mua bảo hiểm cũng chỉ san sẻ được rủi ro về tài chính chứ khó có thể bù đắp được những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu do những "lỗ hổng" về an toàn cháy nổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.