Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hết “tắc”?

Bài và ảnh: Dạ Khánh| 24/04/2014 07:06

(HNM) - Đã hơn 10 năm nay, để đến lớp, hơn 2.600 học sinh cũng như các bậc phụ huynh phải len lỏi qua các ngõ, ngách...


Nỗi khổ 10 năm

"Đường vào ba trường nút cổ chai/ Nỗi khổ của dân để kéo dài/ Đường thì chật hẹp mưa lầy lội/ Quán bán bên đường biết trách ai…" là một trong những bài vè được các phụ huynh 3 trường sáng tác, truyền tai nhau. Nỗi khổ, bức xúc về con đường đến trường của con em cũng được người dân phản ánh trong các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri tại UBND phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân cũng như gửi tới Báo Hànộimới.

Một trong hai con đường đến trường sẽ thành hình sắp tới, đi qua Khu đô thị Hạ Đình (Thanh Xuân).



Thực tế tại hiện trường, phóng viên ghi nhận, hiện lối ra vào của ba trường học tại phường Thanh Xuân Nam là các ngõ ngách ngoằn ngoèo trong khu dân cư với chiều rộng chỉ nhỉnh hơn 1m của phường Thanh Xuân Nam, phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì). Hai xe máy đi ngược chiều nhau vất vả lắm mới tránh khỏi va quệt. Bức tường của các hộ dân dọc ngõ có các vệt lõm dài vì tay lái xe máy thường xuyên quệt phải. Trong khi đó, hai bên ngách, nhà dân đua ra lấn chiếm khoảng không khiến con ngách trở nên tối tăm, ẩm ướt. Trời mưa, việc đến trường của các em càng thêm khổ sở bởi nước không thoát được.

Thống kê từ UBND quận Thanh Xuân cho biết, năm học 2013-2014, Trường Mầm non Tuổi Hoa đón nhận gần 500 cháu; Trường Tiểu học Đặng Trần Côn B 1.575 học sinh và Trường THCS Thanh Xuân Nam 617 học sinh. Với trên 2.600 học sinh, kèm theo đó là phụ huynh đưa con em đi học, chưa kể việc đi lại của người dân các cụm dân cư nơi đây; những ngõ ngách nhỏ hằng ngày "tiếp nhận" hàng vạn lượt người và phương tiện qua lại. Vì vậy, việc tắc đường, cảnh chen chúc xảy ra như cơm bữa. Mặc dù các trường cũng tự khắc phục bằng cách bố trí lệch giờ đến và tan lớp, cũng như tự phân luồng đường ra, đường vào để hạn chế ùn tắc song các giải pháp này vẫn chỉ là tình thế. Đường đến trường rộng rãi, sạch sẽ vẫn đang là mong mỏi, đợi chờ của không biết bao nhiêu thế hệ học sinh và các bậc phụ huynh trong cả thập kỷ qua…

Chưa có đáp số

Đối với việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vào khu vực ba trường học nêu trên, qua tìm hiểu phóng viên được biết, UBND TP Hà Nội thu hồi 35.758m2 đất tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) và các phường Hạ Đình, Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân), tạm giao cho Ban quản lý dự án quận Thanh Xuân điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng (GPMB), chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào cụm 3 trường học Thanh Xuân Nam. Theo đó, UBND quận Thanh Xuân đã phối hợp UBND huyện Thanh Trì thực hiện công tác GPMB. Đến năm 2005, đã thu hồi trên 11.798m2 đất nông nghiệp trên địa bàn xã Tân Triều. Từ năm 2006 đến 2008, do có vướng mắc về công tác GPMB, chủ yếu do các hộ dân kiến nghị về quy hoạch tuyến đường tại ngõ 495 đường Nguyễn Trãi mặt cắt 40m trong khi đã có đường Vành đai 3; khó khăn về quỹ đất tái định cư cho các hộ dân huyện Thanh Trì và quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân thuộc quận Thanh Xuân; cộng thêm khó khăn về vốn, dự án rơi vào thế bế tắc.

Ngày 19-3-2013, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 2056/UBND-QHXDGT về việc tiếp tục triển khai đầu tư dự án tuyến đường vào cụm 3 trường Thanh Xuân Nam, giao UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Theo đó, UBND quận Thanh Xuân đã khảo sát thực tế, tiến hành rà soát các dự án có thực hiện công tác GPMB trên địa bàn quận, tìm ra 2 tuyến đường vào khả thi nhất cho cụm giáo dục trên. Thứ nhất là tuyến đường nối từ phố Triều Khúc đi qua Liên doanh ô tô Hòa Bình, là con đường đến lớp thuận lợi cho các em đến từ khu vực Tân Triều. Thứ hai là tuyến đường tiếp giáp với dự án xây dựng Khu đô thị Hạ Đình do Công ty cổ phần Xây dựng lắp máy điện nước Hà Nội làm chủ đầu tư; cho phép đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Nguyễn Xiển qua ngõ 214 nối vào đường cụm 3 trường - thuận tiện cho các em đến từ Hạ Đình.

Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết: "Việc triển khai các tuyến đường trên có thuận lợi là phần lớn nằm trên phần đất đã cơ bản thực hiện GPMB, phần còn lại chỉ là các công trình nhà ở và nhà tạm 1 tầng. Ngoài ra, số lượng các hộ tái định cư không nhiều, phù hợp với khả năng thực hiện. Dự kiến, việc triển khai xây dựng các tuyến này sẽ hoàn thành trong quý III-2015". Riêng học sinh tại phường Thanh Xuân Nam muốn đến lớp thuận tiện vẫn phải đi vòng theo 2 tuyến đường trên hoặc vẫn phải luồn lách trong ngõ ngách, song phần nào đã giảm tải lượng người và phương tiện. Ông Thái cũng cho biết, quận cũng vẫn quan tâm và cố gắng tìm phương án làm đường vào theo quy hoạch ngắn nhất cho các em học sinh tại Thanh Xuân Nam…

Như vậy, với phương án mới nhất, hy vọng rằng con đường đến trường của các em học sinh tại cụm 3 trường học Thanh Xuân Nam sẽ không còn gập ghềnh như chính việc triển khai xây dựng tuyến đường này trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết “tắc”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.