Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục.
Ngày 29-11, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, thành phố hiện có 2.362 trường học, số lượng trường lớp còn cần mở rộng hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số và số người tạm trú.
Việc phát triển mô hình Trường học hạnh phúc nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Đồng thời, với mô hình này, học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu…
Với mục đích xây dựng Trường học hạnh phúc dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người: Kết nối với bản thân - Kết nối với người khác - Kết nối với thế giới tự nhiên, trong năm học 2023-2024, thành phố đã có 100% cơ sở giáo dục triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc.
Đặc biệt, thành phố là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai có quy mô bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục.
Theo ngành Giáo dục thành phố, bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn gồm: Về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường với các hướng dẫn và các định hướng để từng đơn vị có thể căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị đề ra kế hoạch, mục tiêu, phương án thực hiện triển khai Bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc phù hợp với từng cấp học và từng địa bàn.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, Sở đặt ra 6 giải pháp, trong đó nhấn mạnh: Nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trường học hạnh phúc; thực hiện tốt công tác phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội để xây dựng mô hình này hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên dương, khen thưởng; thường xuyên rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, giao lưu; tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều nỗ lực, thực hiện có hiệu quả việc thực hiện Trường học hạnh phúc...
Song song đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về thực hiện Trường học hạnh phúc trên địa bàn. Tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên và phụ huynh về tầm quan trọng của việc xây dựng Trường học hạnh phúc…
Phát biểu tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá, trong một năm qua, thành phố đã khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc”. Kết quả của mô hình đã tạo nên những sự chuyển biến tích cực, không chỉ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, giáo viên, mà còn lan tỏa mạnh mẽ tới học sinh, phụ huynh.
“Trong thời gian tới, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy vai trò đi đầu, hoàn thiện các tiêu chí, tổ chức thêm các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác về việc triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, Bộ cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa để thành phố và các địa phương khác triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc” một cách thành công và bền vững. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế để cập nhật những kinh nghiệm tiên tiến, xây dựng thêm nhiều giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả mô hình này”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chỉ đạo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.