(HNM) - Chế biến và xuất khẩu cá tra đóng vai trò rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhưng trong 5 tháng vừa qua, ngành sản xuất cá tra lao đao bởi thiếu nguyên liệu nên sản xuất cầm chừng; thiếu vốn không thể mở rộng sản xuất; giá giảm liên tục khiến cả doanh nghiệp (DN) và người nuôi đều thua lỗ.
Ông Dương Văn Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện người nuôi cá tra đang lao đao do giá giảm liên tục trong vài tháng qua, giá cá tra nguyên liệu chỉ ở mức 22.000-23.000 đồng/kg, trong khi đó chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi tăng từ 500 đến 1.000 đồng/kg; thuốc thú y tăng 10-15%... Như vậy với giá này, trung bình 1ha, người nuôi cá tra lỗ 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thời gian qua việc ngân hàng siết chặt nguồn vay, thời gian vay vốn ngắn... khiến DN và nông dân đều rơi vào cảnh thiếu vốn nghiêm trọng. Vì vậy, khi giá cá tra giảm, người nuôi không tiếp tục cầm cự được để nuôi lứa sau nên "treo" ao tới 30%. Phía DN thì không đủ năng lực để thu mua với số lượng nhiều như trước để phục vụ xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu chế biến bất ổn đã khiến nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, một số chỉ hoạt động từ 30 đến 40% công suất, thậm chí chỉ 10 - 20% công suất.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Gò Đàng. Ảnh: Mai Vy
Sản xuất trong nước gặp khó, xuất khẩu cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu cá tra sang 120 thị trường trên thế giới, đạt giá trị 700 triệu USD. Riêng thị trường EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đã giảm tới 10% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2011. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu còn chịu sức ép về cạnh tranh với mặt hàng cá tra phi lê của các nước khác, một số DN thiếu vốn đã phải hạ giá bán từ 3 USD/kg xuống còn 2,6 USD/kg khiến cho ngành sản xuất cá tra từ đầu năm đến nay luôn trong tình trạng khủng hoảng.
Hỗ trợ vốn hay tổ chức lại sản xuất?
Trước những khó khăn mà người nuôi và DN xuất khẩu cá tra đang gặp phải, Bộ NN&PTNT dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất hai gói tín dụng cho sản xuất và tiêu thụ cá tra với tổng kinh phí hỗ trợ là 4.400 tỷ đồng để người dân có vốn tái đầu tư sản xuất và DN có vốn để thu mua nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, nếu không kịp thời gỡ khó cho DN và người nuôi thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa ngành cá tra sẽ không thể cầm cự được, bởi đã có 40% số DN xuất khẩu cá tra bị phá sản. Ngoài hỗ trợ về vốn, Nhà nước nên nghiên cứu hỗ trợ cả DN và người nuôi được vay vốn với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, kỳ hạn 8 tháng. Còn ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thì cho rằng, giải pháp về vốn chỉ là trước mắt, để sản xuất cá tra phát triển bền vững và trở lại ngôi vị số 1 trong ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam, về lâu dài cần phải tổ chức lại sản xuất trong nước theo hướng kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào từ con giống đến quy trình nuôi, mức độ sử dụng thuốc kháng sinh… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm các bên cùng có lợi.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để cứu ngành sản xuất cá tra, ngoài chính sách hỗ trợ vốn của Nhà nước, các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi để không manh mún, nhỏ lẻ nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu. Đặc biệt, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần thường xuyên kiểm tra việc tồn dư thuốc kháng sinh, có biện pháp xử lý nghiêm những DN làm ăn bất chính để không ảnh hưởng chung tới toàn ngành. Tại thị trường EU, các DN phải đổi mới cách tiếp cận thị trường, đồng thời mở rộng sang các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc Trung Quốc, Canada… Và vấn đề quan trọng nhất là phải tổ chức lại xuất khẩu cá tra theo hướng nâng giá xuất khẩu, tạo uy tín với các nhà nhập khẩu bằng chất lượng sản phẩm để nâng cao uy tín của cá tra Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.