(HNM) - Từ đầu năm 2018 đến nay hàng loạt nông sản như: Củ cải, su hào, dưa hấu… rơi vào tình cảnh được mùa mất giá và phải huy động mọi lực lượng tham gia “giải cứu”. Nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vậy bao giờ mới hết phải “giải cứu” nông sản để ngành Nông nghiệp thực sự phát triển ổn định, bền vững?
Nông dân xã Tráng Việt, huyện Mê Linh vừa qua đợt “giải cứu” củ cải. Ảnh: Quỳnh Dung |
Vẫn theo phong trào
Nông dân xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) vừa thoát đợt khủng hoảng dư thừa củ cải và đang bước vào sản xuất vụ tiếp theo. Thế nhưng nỗi lo sản phẩm mất giá vẫn chưa được hóa giải. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Đông Cao, xã Tráng Việt Vũ Văn Kỳ cho biết: "Năm nào chính quyền địa phương cũng tuyên truyền, vận động người trồng rau khi vào vụ chính, nếu sản phẩm đã dư thừa thì nên chuyển sang các cây trồng khác để ổn định nguồn cung. Tuy nhiên, người dân vẫn sản xuất theo phong trào. Trong khi đó, địa phương chưa liên kết được với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mà phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán giá củ cải ở đây lại giảm giá mạnh".
Sau củ cải, su hào..., hiện nay giá dưa hấu của tỉnh Quảng Nam và Quảng Bình cũng lao dốc mạnh khiến nông dân như "ngồi trên đống lửa". Theo lời ông Võ Quan Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An), giá dưa hấu giảm mạnh là do Trung Quốc đang trong thời kỳ tập trung thu hoạch rộ sản phẩm này nên hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, nông dân tỉnh Quảng Nam và Quảng Bình sau khi thu hoạch dưa hấu chưa qua sơ chế mà bán trực tiếp tại ruộng cho thương lái nên giá thấp. Ông Huy cho rằng, hiện nông dân chỉ chú trọng sản xuất mà không nghiên cứu thị trường, khiến việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn khi vào vụ thu hoạch.
Lý giải về thực trạng nông sản dư thừa, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, mặc dù các cấp, các ngành đã khuyến cáo nhưng nông dân vẫn sản xuất tự phát, không theo quy hoạch, “mạnh ai nấy làm” nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dẫn tới cung vượt cầu, được mùa mất giá...
Ở góc độ phân phối tiêu thụ sản phẩm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty Tâm Thành có trụ sở tại TP Hà Nội chỉ rõ: Do nông dân không được cập nhật kịp thời thông tin thị trường nên dẫn đến tình trạng sản xuất gia tăng mà không thể tiêu thụ được… Vì vậy, các ngành buộc phải kêu gọi doanh nghiệp, siêu thị, cơ quan đoàn thể cùng tham gia “giải cứu” nông sản. “Bản thân doanh nghiệp tôi cũng chung sức thu mua bao tiêu nông sản giúp người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, việc giải cứu này chỉ là nhất thời, không giải quyết được cốt lõi của vấn đề, càng làm cho tình trạng sản xuất dư thừa tiếp diễn mà không có hồi kết” - bà Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Sản xuất phải gắn với thị trường
Nhiều ý kiến cho rằng, để không còn xảy ra tình trạng giải cứu nông sản, các ngành chức năng cần làm tốt quy hoạch vùng sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thì "Các cơ quan quản lý nhà nước nên đổi mới công tác dự báo thị trường, ngoài thông tin về thị trường xuất khẩu phải thông tin về thị trường trong nước. Đặc biệt, phải có kênh thông tin đến người dân để họ có kế hoạch từ khâu sản xuất, từ đó sẽ hạn chế tối đa tình trạng cung vượt cầu".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, tem nhãn sản phẩm và tập trung xây dựng thương hiệu nông sản. Còn các địa phương phát triển và nhân rộng những mô hình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ dân trong sản xuất, tiêu thụ nhằm tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác cần theo nguyên tắc điều tiết của thị trường, gắn với lợi ích của các bên, trên cơ sở chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, trách nhiệm rõ ràng. Có như vậy, mới bảo đảm các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân được gắn kết chặt chẽ và sẽ hạn chế việc thương lái thu mua, ép giá khi vào vụ thu hoạch.
Đề cập hướng tháo gỡ đầu ra cho nông sản của địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố hướng dẫn người dân chuyển đổi từ phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm có giá trị. Đồng thời, xây dựng các chuỗi nông sản nhằm kiểm soát chất lượng, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc bán qua thương lái và chợ dân sinh.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam cho rằng, để hạn chế các cuộc “giải cứu” nông sản, các cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn người dân lập kế hoạch sản xuất hợp lý, trồng theo nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, ngoài mở những lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, các ngành chức năng cần mở các lớp về định hướng thị trường để nông dân nắm rõ nhu cầu, giá cả các mặt hàng nông sản. Qua đó, có kế hoạch sản xuất bài bản, không chạy theo lợi ích trước mắt. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần chuẩn bị các phương án khi nông sản rơi vào tình trạng cung vượt cầu; hỗ trợ người dân trong chế biến, dự trữ sản phẩm và kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia trên cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, phương tiện vận tải khi tham gia giải cứu nông sản dư thừa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.