(HNMO) - Sau khi phía Trung Quốc tăng cường nhập khẩu chính ngạch sầu riêng của Việt Nam từ cuối năm 2022, có hiện tượng ồ ạt phát triển diện tích trồng loại cây này tại Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, vượt quá quy hoạch. Điều này tiềm ẩn nguy cơ thừa nguồn cung, giá hạ trong tương lai.
Tăng xuất khẩu chính ngạch
Ngày 1-3 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt tổng cộng 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Năm 2022, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt kim ngạch 421 triệu USD, tăng 137% so với năm 2021. Dự kiến năm 2023, những con số này còn tăng.
Nông dân nhiều địa phương phấn khởi vì thị trường rộng mở. Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tân Lập Đông (xã Tân Lập, huyện Krông Bút, tỉnh Đắk Lắk) đã được cấp 4 mã vùng trồng sầu riêng với diện tích 49,5 ha. Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch từ cuối năm 2022 đã đưa giá trị trái sầu riêng tăng từ 50% đến 60% so với năm 2021, giúp xã viên có thu nhập cao hơn.
Bà Lê Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết, tính đến cuối năm 2022, xã đã thành lập 14 tổ hợp tác với 191 thành viên; phối hợp với các doanh nghiệp hướng dẫn, xây dựng 14 vùng đề nghị cấp mã vùng trồng sầu riêng, với tổng diện tích 224,36 ha để tiêu thụ sản phẩm chính ngạch ổn định, lâu dài và bền vững.
Nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang củng cố các vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng và tiếp tục hoàn thiện các yêu cầu để tăng số vùng này trong thời gian tới.
Đơn cử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, tỉnh đang tăng cường tập huấn, truyền thông các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng đúng quy trình canh tác, phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 4 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng. Tháng 9-2022, sau hơn 3 năm đàm phán, lô hàng sầu riêng của Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giúp giá thu mua tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có lúc lên đến 150.000 - 200.000 đồng/kg, người trồng lãi lớn.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (đơn vị tham gia xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc) cho biết, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Vì vậy, tiềm năng thị trường Trung Quốc còn rất nhiều để Việt Nam khai thác.
Nguy cơ phát triển nóng
Cũng bởi giá thu mua sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao, người trồng ở nhiều địa phương đang ồ ạt tăng diện tích trồng loại cây này. Đơn cử, tính đến cuối năm 2022, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk có diện tích trồng sầu riêng tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Gia đình ông Chính Phương, ngụ tại xã Cư Pơng, có trên 5 ha đất canh tác, trước đây trồng nhiều loại cây. Năm 2018, gia đình ông và nhiều hộ dân khác ồ ạt tăng diện tích trồng bơ vì bán được giá. Năm 2022, giá bơ có lúc xuống 4.000 đồng/kg, thu không đủ chi, gia đình ông lại chặt bỏ. “Giờ tôi phát triển thêm cây sầu riêng trên đất cũ trồng bơ, mong sẽ có thu nhập cao và ổn định hơn”, ông Phương nói.
Tình trạng tăng nóng diện tích trồng sầu riêng cũng đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long từ cuối năm 2022 đến nay. Ở nhiều nơi, người dân phá bỏ diện tích trồng lúa để trồng sầu riêng. Tính chung cả nước, đến đầu năm 2023, tổng diện tích trồng sầu riêng đã là 80.000ha và tiếp tục tăng, vượt từ 5.000 đến 10.000ha theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cục Trồng trọt đã nhiều lần khuyến cáo các địa phương phải cẩn trọng, không vội vàng tăng nhanh diện tích. Thay vào đó, nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tận dụng lợi thế cây sầu riêng Việt Nam cho trái quanh năm để cạnh tranh xuất khẩu với Thái Lan và Malaysia, những nơi trồng nhiều sầu riêng xuất khẩu, nhưng thu hoạch theo mùa.
Đồng tình với định hướng này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm nhận định, nông dân đã có nhiều bài học lớn từ phát triển nóng các loại quả như mít Thái, xoài, bơ và mới đây nhất là cam sành…, giờ không nên lặp lại việc “được mùa rớt giá” với sầu riêng.
“Chúng tôi đang tăng cường khuyến cáo bà con nông dân không chạy theo phong trào, mà chú ý chọn trồng loại cây theo các vùng có lợi thế và có điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng phù hợp; chú trọng phát triển khâu bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch để tăng chất lượng và giá trị trái sầu riêng”, ông Trần Thái Nghiêm chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.