Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ dân hết khổ vì… điện yếu?

Trung Nguyên - Đỗ Hà| 13/03/2014 07:23

(HNM) -


Hệ thống LĐHA không được cải tạo, nâng cấp, công tơ không được kiểm định, thay thế… dẫn đến tình trạng điện yếu, quá tải, mất điện liên tục, cuộc sống của người dân khổ sở. Những hộ gia đình làm nghề phụ bị thiệt hại về kinh tế, nhiều hộ không dám đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng quy mô phát triển sản xuất, kinh doanh…" là nội dung đơn của người dân xã Văn Khê (huyện Mê Linh) gửi tới Đường dây nóng Báo Hànộimới (0438247615 và 0984316316).

Hệ thống lưới điện hạ áp xã Văn Khê chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ.



Tìm hiểu được biết, năm 2004, xã Văn Khê thành lập HTXDV điện lực để thực hiện Dự án năng lượng nông thôn II (RE II). Đến tháng 8-2008, dự án hoàn thành, HTXDV được UBND xã giao quản lý 6 trạm biến áp (TBA) và hệ thống LĐHA. Theo Trưởng thôn Khê Ngoại Nguyễn Văn Lạc, thôn có số dân đông nhất xã (hơn 10.000 khẩu), có nhiều hộ gia đình làm nghề trồng hoa, chăn nuôi 500-700 con gà vịt, 30-40 con lợn, chạy máy xay xát, sản xuất bún, bánh… Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi tuần có tới 3-4 ngày bị mất điện vào giờ cao điểm buổi tối hoặc điện năng quá yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Về vấn đề này, ông Lưu Văn Phận, Chủ nhiệm HTXDV điện lực Văn Khê lý giải: Do công tác khảo sát thực tế chưa chính xác nên khi dự án hoàn thành, trên địa bàn xã vẫn còn 99/245 ngõ chưa được đầu tư, nâng cấp LĐHA. Từ khi tiếp nhận quản lý hệ thống LĐHA, HTXDV bán điện tới hộ dân và trích lại 3% để làm quỹ khấu hao, sửa chữa. Xã có 3.400 hộ được lắp công tơ và sử dụng điện. Từ năm 2008 đến nay, HTXDV đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo 2km đường dây điện nằm trên đường trục chính của xã, thay thế khoảng 500 công tơ và kéo đường dây điện vào 97/99 ngõ, chỉ còn 2 ngõ gồm 19 hộ gia đình ở xóm Tơi và xóm 6 chưa được đầu tư nâng cấp... Ông Phận thừa nhận hiện tại chất lượng điện rất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt như nội dung đơn người dân phản ánh tới Báo Hànộimới. Tuy nhiên, xã cần có thêm 2TBA 320KVA mới đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của nhân dân. Ông cũng lý giải, khó khăn của HTXDV là hoạt động theo nhiệm kỳ nên không thể thế chấp tài sản để vay vốn, đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống LĐHA. Về việc đến nay xã Văn Khê chưa bàn giao hệ thống LĐHA cho ngành điện là do từ khi nhận quản lý, HTXDV không biết việc phải trả nợ vốn dự án RE II (?). Tháng 8-2012, Sở Tài chính có văn bản thông báo nợ và yêu cầu HTXDV ký hợp đồng tín dụng nhận nợ và trả nợ, lúc này HTXDV mới biết việc phải thanh toán số nợ cũ từ 4 năm trước (tháng 8-2008 đến 8-2012) là 939,779 triệu đồng. Đến tháng 12-2013, ngoài việc trả nợ vốn dự án RE II theo định kỳ hằng tháng, số nợ quá hạn của HTXDV còn 504 triệu đồng. Nếu bàn giao hệ thống LĐHA cho ngành điện, HTXDV không thể ngay lập tức thanh toán hết khoản nợ quá hạn.

Theo ông Tạ Quang Thắm, Giám đốc Điện lực Mê Linh, huyện Mê Linh là nơi thực hiện bàn giao LĐHA nông thôn cho ngành điện quản lý khá sớm (từ năm 2008). Năm 2009, toàn huyện chỉ còn 4 xã Tự Lập, Tráng Việt, Văn Khê, Liễu Trì chưa bàn giao LĐHA mà thực hiện quản lý, đầu tư, bán điện đến hộ thông qua HTXDV. Đây là những địa phương nằm trong 6 xã của huyện được thực hiện Dự án RE II. Sau khi nhận bàn giao, LĐHA của các địa phương được ngành điện đầu tư nâng cấp, chất lượng điện nâng lên rõ rệt, phục vụ tốt sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, một số HTX không đủ khả năng quản lý, đầu tư và bán điện đến hộ nên huyện Mê Linh tiếp tục chỉ đạo các HTX còn lại bàn giao LĐHA cho ngành điện. Đến năm 2012, trên địa bàn huyện chỉ còn 2 xã Văn Khê và Tráng Việt không bàn giao LĐHA. Hiện tại, nhu cầu sử dụng điện của các địa phương rất lớn, nhất là trong điều kiện tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi thôn phải có ít nhất 2 TBA, bán kính cấp điện phải đạt "1km cấy 1 trạm" mới có thể cấp điện tốt được. Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương chưa bàn giao LĐHA, phải 3km mới có một TBA nên không thể cung ứng điện tốt cho nhân dân, do đó tình trạng điện yếu và mất điện thường xuyên xảy ra.

Thực tế tại xã Văn Khê cho thấy, rõ ràng người dân đang phải chịu thiệt thòi trong sinh hoạt hằng ngày, càng không dám đầu tư máy móc, thiết bị để mở rộng quy mô phát triển kinh tế vì… điện yếu! Vấn đề đáng quan tâm là ngay từ khi thực hiện dự án RE II, lãnh đạo xã Văn Khê đã biết rõ đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm thanh toán định kỳ đến khi trả hết nợ vốn vay để làm dự án, thế nhưng UBND xã lại không chỉ đạo HTXDV thực hiện trả nợ theo quy định, khiến HTX rơi vào cảnh nợ nần, không có biện pháp tháo gỡ. Và mặc dù hệ thống LĐHA ở Văn Khê không được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, nhưng UBND huyện Mê Linh cũng không quyết liệt chỉ đạo xã Văn Khê bàn giao LĐHA cho ngành điện hệ thống LĐHA yếu kém, "góp phần" kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương. Như hiện nay đến bao giờ Văn Khê mới hoàn thành xây dựng nông thôn mới đúng kế hoạch?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ dân hết khổ vì… điện yếu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.