Giữa năm 2023, đúng lúc nắng nóng, tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra ở nhiều đô thị lớn, trong đó có cả thành phố Hà Nội, khiến người dân khổ sở, doanh nghiệp đứng ngồi không yên.
Nguyên nhân là bước vào cao điểm nắng nóng, hạn hán xảy ra nhiều nơi, các tổ máy thủy điện không đủ nước để hoạt động trong khi nhiều tổ máy nhiệt điện gặp sự cố, nên công suất nguồn không đủ đáp ứng phụ tải.
Trước đó, hồi cuối năm 2022, đầu năm 2023, hàng loạt cây xăng đóng cửa ngừng kinh doanh. Ô tô, xe máy xếp hàng dài chờ đổ xăng. Xăng được bán theo hạn mức. Tình trạng này mới đầu xuất hiện ở phía Nam sau lan ra phía Bắc, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội. Nguyên nhân là giá xăng, dầu thế giới biến động, nhiều doanh nghiệp phân phối không có lợi nhuận, trong khi cơ chế điều chỉnh giá chưa linh hoạt, nên ngừng bán hàng.
Hai sự việc ở thời điểm khác nhau, nguyên nhân khác nhau nhưng có chung hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp đời sống xã hội, nền kinh tế và đe dọa an ninh năng lượng. Đặc biệt, cả xăng và điện đều là nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất nên khi việc cung ứng gián đoạn sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, mà hậu quả có khi rất nghiêm trọng. Vì thế, ngay từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tuyệt đối không được để thiếu điện, thiếu xăng, dầu trong mọi tình huống.
Không để thiếu điện, thiếu xăng, dầu lúc này là “mệnh lệnh” bởi kinh tế - xã hội nước ta vừa trải qua năm 2023 đầy khó khăn và bước vào năm 2024 với không ít thách thức. Đây còn là năm tăng tốc thực hiện kế hoạch 5 năm 2020-2025 với những mục tiêu rất lớn phải nỗ lực thực hiện.
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã làm việc với các ngành, đơn vị liên quan, triển khai các nhiệm vụ cụ thể để bảo đảm cung ứng xăng, dầu, điện cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các kế hoạch cung ứng nhất thiết phải được rà soát thường xuyên, bám sát, cập nhật tình hình thực tế, gắn với dự báo tình huống phát sinh và các phương án giải quyết. Tình huống phát sinh thì đa dạng, thậm chí có cả vấn đề khó lường trước, không có tiền lệ, nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng chắc chắn mức độ bị động sẽ giảm đi, sự chủ động tăng lên và vấn đề phát sinh dù khó đến mấy cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Cùng với đó, các đơn vị sản xuất, cung ứng điện, xăng, dầu cần thực hiện đúng sự phân công của cơ quan quản lý trong việc nhập khẩu, dự trữ, điều tiết cung ứng ra thị trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của đơn vị liên quan; kiểm tra, giám sát hệ thống cung ứng, xử lý ngay tình trạng tùy tiện dừng bán, găm hàng chờ tăng giá, cũng như các sai phạm khác. Thực tế, một số bất cập trong điều hành giá, tính chi phí, chiết khấu… đang từng bước được khắc phục, điều chỉnh.
Tuy nhiên về lâu dài rất cần cơ chế, chính sách mới, phù hợp để thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, chủ động nguồn cung trong nước (như nhà máy lọc dầu, nhà máy điện), mở rộng mạng lưới cung ứng, hạn chế khâu trung gian. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền tảng cơ chế thị trường sẽ giải quyết được những bất cập trong cung ứng điện, hay xăng, dầu thời gian qua.
Với doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm cung ứng điện, cung ứng xăng, dầu cho nền kinh tế không chỉ là nhiệm vụ kinh doanh mà còn là nhiệm vụ chính trị. Doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, điều tiết, vì thế đòi hỏi nỗ lực lớn hơn. Đó còn là trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.