(HNM) - Hàng loạt các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) phía Nam phát hiện nhiều sinh viên (SV) gian dối khi dùng bằng, chứng chỉ giả để xét tốt nghiệp, kể từ khi các trường thực hiện chuẩn đầu ra tiếng Anh...
Phát hiện nhiều chứng chỉ giả
Vừa qua, Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh phát hiện 70 SV dùng chứng chỉ TOEIC giả để nộp vào trường cho đợt tốt nghiệp trong tháng 9. Trao đổi với chúng tôi, Ths Nguyễn Thanh Tùng, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh bức xúc: "Tất cả 70 SV trên đều bị đình chỉ học 1 năm".
Bằng giả chứng chỉ tiếng Anh bị Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh phát hiện. |
Tương tự, Ths Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho biết: "Năm nào trường cũng phát hiện SV nộp chứng chỉ giả. Để xác minh, trường đã lập danh sách SV nộp chứng chỉ sang để nhờ IIG (nơi tổ chức thi và cấp chứng chỉ TOEIC tại Việt Nam) kiểm tra. Bằng giả thì sẽ không có hồ sơ gốc. Năm nay trường phát hiện 2 trường hợp làm giả bằng cách phôtô, cắt dán, scan lại rồi in màu...". Cũng theo ông Sĩ, những SV sử dụng bằng giả sẽ bị IIG cấm thi trong vòng 3 năm.
Không chỉ ở 2 trường trên, Ths Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay, tính đến thời điểm hiện nay đã phát hiện 59 trường hợp sử dụng chứng chỉ tiếng Anh giả. Để phát hiện được, trường đã phải phối hợp với cơ quan công an xác minh nguồn gốc cấp chứng chỉ giả cho các sinh viên. Tất nhiên, những SV dùng bằng giả đều bị kỷ luật.
Đâu là nguyên nhân?
Ths Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới vấn nạn dùng chứng chỉ giả là do kỹ năng về ngôn ngữ của SV kém. Nhiều SV, khi còn học THPT, không được học ngoại ngữ hoặc có học nhưng không chú tâm, thiếu đầu tư, đến khi tới thời điểm xét tốt nghiệp hoặc hết thời hạn tối đa cho phép mà không thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ, SV nhắm mắt... làm liều, trong khi việc chào mời mua bán chứng chỉ giả khá phổ biến.
Theo Ths Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, SV cần nhận thức đúng đắn về việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh. Vì nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai. Mặt khác, SV cần xác định rõ việc học tập tiếng Anh để đạt chuẩn đầu ra với mục đích để tạo điều kiện sau khi ra trường có cơ hội việc làm, đồng thời phù hợp với xu thế hội nhập.
Tương tự, Ths Mai Anh Thơ, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh phân tích, tiếng Anh là kỹ năng vô cùng quan trọng trong thời đại hội nhập toàn cầu. Ngoài kiến thức chuyên môn thì SV không thể thiếu kỹ năng ngoại ngữ để hội nhập và có thể có cơ hội việc làm tốt. Do vậy, thay vì đầu tư vào việc mua các chứng chỉ giả mạo, nên đầu tư vào việc thực học, vừa giúp nâng cao kỹ năng của bản thân, vừa không xảy ra việc "tiền mất tật mang".
Giải pháp song hành, Ths Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP Hồ Chí Minh cho rằng, các trường nên quản lý SV chặt chẽ hơn từ khâu đào tạo, dạy học, chấm thi, cấp phôi chứng chỉ; cơ quan chức năng cần "đánh" mạnh hơn vào "hang ổ" làm chứng chỉ, bằng cấp giả... Bởi, sự gian dối của thế hệ trẻ ngay từ trên ghế nhà trường, sẽ dẫn tới những hệ lụy không nhỏ về sau cho xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.