(HNM) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 khá thấp. Dù vậy, mặt bằng lãi suất hạ đã giúp các ngân hàng thương mại bảo đảm thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng thấp...
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Quốc Hùng, tính đến ngày 16-6, tăng trưởng tín dụng ngân hàng vẫn tiếp tục giữ ở mức khiêm tốn 2,13%. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 50%, nhưng vẫn được xem là phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Về cơ cấu tín dụng, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,35%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 4,94% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%); lĩnh vực công nghệ cao tăng 2,92% và công nghiệp hỗ trợ tăng 2,27%. Đáng chú ý, tín dụng lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,7%; lĩnh vực tiêu dùng cũng giảm.
“Chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã bám sát diễn biến dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, dưới tác động của dịch bệnh, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp chưa cao khiến tín dụng tăng thấp”, ông Nguyễn Quốc Hùng lý giải.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thời điểm này, khó khăn của doanh nghiệp và người dân là dòng tiền, do đó ưu tiên hàng đầu của ngành Ngân hàng là tái cơ cấu, giãn nợ...
Sau hơn 2 tháng triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 249.100 khách hàng với tổng dư nợ 172.365 tỷ đồng; miễn, giảm lãi suất cho 403.177 khách hàng, với dư nợ ước trên 1,2 triệu tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, thời gian đầu, nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của ngân hàng nhưng đến nay có thể khẳng định, không có một khách hàng nào nợ đến hạn mà không được ngân hàng cơ cấu lại khoản nợ.
Về chính sách này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành thông tin, Vietcombank giảm 10% trên tổng số lãi phải trả từ ngày 15-4 đến 30-6 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tương đương khoảng 2.240 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietcombank đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tương tự, quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Nguyễn Cảnh Vinh cho biết, đến nay ngân hàng đã tái cơ cấu khoảng 6% trên tổng dư nợ cho vay (tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận).
... nhưng không hạ chuẩn cho vay
Đề cập đến việc cung ứng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, mặt bằng lãi suất thị trường đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2020. Với thanh khoản dồi dào, các ngân hàng luôn sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Thậm chí, trường hợp cần thiết Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để có nguồn vốn đưa ra thị trường.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết, thanh khoản của Vietcombank hiện khá dồi dào. Một số khoản vay đối với khách hàng doanh nghiệp tại Vietcombank lãi suất chỉ trên dưới 5%/năm, ngang lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài. Nếu đáp ứng đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ được ngân hàng cung ứng vốn ngay. Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, ngân hàng đang dư 30.000 tỷ đồng, nên doanh nghiệp và người dân không khó để tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Paris Gâteaux Việt Nam - một khách hàng của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) được cơ cấu giãn nợ, giảm lãi suất cho biết: "Khi dịch Covid-19 xảy ra, Paris Gâteaux bị ảnh hưởng rất nặng nề. Chúng tôi đã cùng VietinBank lên phương án tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất. Việc giải ngân, giảm lãi, cơ cấu nợ vừa tuân thủ quy định vừa phù hợp với tình hình thực tế, thời gian giải quyết hồ sơ không bị kéo dài so với trước thời điểm có dịch".
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, nguồn vốn đang dư thừa, tín dụng ngân hàng khó tăng trưởng, nhưng không vì thế mà ngân hàng hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, ngân hàng phải kiểm soát chặt hơn để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng sau dịch bệnh.
Chia sẻ thêm về chính sách tín dụng ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2020, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản và vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình để có giải pháp phù hợp, kịp thời, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.